Không chấp nhận khoản đền bù gần 330 tỷ đồng, ngôi nhà ‘kẹt cứng’ giữa đại công trường, gia chủ sống trong cảnh khói bụi, không điện, không nước hơn 10 năm
Nhiều người thậm chí còn tỏ ra khó hiểu khi gia chủ không chấp nhận di dời trước khoản đền bù ‘kếch xù’.
Nhiều năm trước, một đoạn video về ngôi nhà ở tỉnh Hồ Bắc nằm lọt thỏm giữa một hố sâu đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng. Theo trang 163.com, địa thế "độc đáo" của ngôi nhà này là kết quả của những cuộc thương lượng không thành công giữa gia chủ và chủ đầu tư dự án xây dựng gần đó.
Cụ thể, chủ nhân ngôi nhà là một người đàn ông họ Dương. Gia đình ông đã sống ở đây từ những năm 1990. Đến năm 1995, họ cơi nới và mở rộng căn nhà để có thêm không gian sinh hoạt. Đến năm 2012, khu vực nơi gia đình ông Dương sinh sống được quy hoạch để phát triển thành các khu công nghiệp. Các hộ dân thuộc diện tái định cư đã nhận tiền đền bù và chuyển đi, chỉ còn gia đình ông Dương kiên quyết ở lại.
Để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chủ đầu tư nhiều lần cử người đến thương lượng với gia đình ông Dương nhưng dù có cố gắng thuyết phục đến đâu họ cũng không nhận được sự đồng ý từ ông.
Ông Dương đưa ra hai lý do từ chối di dời. Thứ nhất, ông muốn được sống trên mảnh đất của gia đình đến cuối đời vì suy nghĩ "lá rụng về cội". Hơn nữa, ngôi nhà mà gia đình ông đang ở chứa đựng nhiều kỷ niệm, khiến ông càng không muốn chuyển đi. Thứ hai, ông Dương không hài lòng với mức đền bù mà chủ đầu tư đưa ra.
Trước tình huống này, chủ đầu tư cảm thấy bất lực mặc dù họ đã tuân thủ đúng quy định về việc đền bù. Để đẩy nhanh tiến độ, họ quyết định tạo ra một ngoại lệ, đồng ý tăng mức bồi thường cho ngôi nhà của ông Dương lên đến 100 triệu NDT (tương đương khoảng 330 tỷ đồng). Tuy nhiên, dù trước mức bồi thường khổng lồ này, ông Dương vẫn kiên quyết từ chối.
Trước sự cứng rắn của gia chủ, phía chủ đầu tư không còn muốn thỏa hiệp và tiếp tục thi công dự án như kế hoạch. Đầu tiên, họ cho công nhân phá dỡ khu vực xung quanh ngôi nhà. Sau đó, họ cố ý đổ đầy đất, cát, đá xung quanh, nhằm buộc gia đình ông Dương phải rời đi. Dù vậy, bất kể những biện pháp cứng rắn của chủ đầu tư, gia đình ông Dương vẫn không chịu rời khỏi nơi ở.
Theo thời gian, khi nền đất xung quanh được nâng lên, căn nhà gần như bị đất cát vùi lấp, lọt thỏm xuống dưới. Không dừng lại ở đó, chủ đầu tư còn cắt điện, cắt nước, nhưng hành động quyết liệt này cũng không thể khiến ông cụ thay đổi quyết định. Thậm chí, gia đình ông Dương còn học cách "sống chung với lũ": thiếu điện, ông thắp nến vào ban đêm; thiếu nước, ông sẵn sàng leo lên, leo xuống mỗi ngày để lấy nước từ nơi gần nhà, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt.
Gia đình ông Dương đã chấp nhận sống trong hoàn cảnh bất tiện này suốt hơn 10 năm mà không hề có ý định rời đi. Ông thậm chí còn nuôi thêm gà vịt, trồng rau củ quanh nhà để duy trì cuộc sống "tự cung tự cấp". Nhiều người cho rằng gia đình ông cố chấp nhưng bất chấp những lời đàm tiếu, ông Dương vẫn vui vẻ sống trên mảnh đất của gia đình mình.
Không chỉ riêng nhà ông Dương, hiện nay ở Trung Quốc còn tồn tại rất nhiều "nhà đinh" nằm chắn ngang giữa đường hoặc tại những khu vực phát triển. Chủ nhân của những ngôi nhà này thường không hài lòng với khoản đền bù, dẫn đến việc không chịu chuyển đi. Cơ quan chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra phương án xử lý phù hợp, khiến các "nhà đinh" này tiếp tục tồn tại, gây mất mỹ quan đô thị.