Đến nay, tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD
Là một cực của tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người, đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, các khu công nghiệp Quảng Ninh đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Mục tiêu thu hút 3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024 đã được tỉnh Quảng Ninh cụ thể hóa tại Văn bản số 887/BC-BCSĐ. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá, mà ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn.
Một khu công nghiệp tại Quảng Ninh |
Ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các KKT: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cáí; các KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư gặp phải. Đồng thời, tăng cường và chủ động trong thu hút vốn đầu tư, nhất là đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
Với dự báo tình hình thu hút FDI trong quý I/2024 sẽ đạt 1 tỷ USD vốn FDI (bằng 1/3 kế hoạch của cả năm), nên chỉ trong 2 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 8 dự án mới, với tổng vốn 478 triệu USD (dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện tại KCN Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà có số vốn cao nhất, gần 275 triệu USD).
Đến nay, tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các dự án FDI được cấp phép triển khai chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong tháng 3, Quảng Ninh dự kiến đón thêm 7 dự án đến từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan và luôn sẵn sàng mời gọi, trao đổi, chia sẻ, cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh… để tiếp tục đón làn sóng FDI.
So với nhiều tỉnh thành, năm 2022, chỉ số thu hút FDI của tỉnh Quảng Ninh vẫn là con số khiêm tốn với hơn 620 triệu USD (bằng hơn 41% so với kế hoạch đề ra). Phải đến tháng 10/2023, tổng số vốn FDI rót vào địa phương mới “nhảy vọt” lên hơn 2,2 tỷ USD và 3,1 tỷ USD vào cuối năm, giúp Quảng Ninh lọt top 3 tỉnh thành đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn. Đây là địa phương được quy hoạch nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch.
Mới đây, thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết, HĐND thị xã Đông Triều tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều. Dự kiến đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Lộ diện thành phố thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh lần đầu tiên trình diễn máy bay không người lái tại Carnaval Hạ Long 2024