Dược Cửu Long (DCL) nhấn mạnh việc nguyên lãnh đạo công ty bị bắt giữ là các vấn đề pháp lý của giai đoạn cũ, không liên quan đến hoạt động hiện nay.
Dược phẩm Cửu Long (DCL) vừa có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) và các cổ đông về việc là bên có liên quan trong vụ việc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị bắt tạm giam do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir.
Cuối năm 2021 trước đó, cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long, ông Lương Văn Hóa cùng ông Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Kế toán trưởng Dược Cửu Long cũng đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mở đầu thông báo, DCL nhấn mạnh nguyên lãnh đạo Công ty bị bắt giữ là các vấn đề pháp lý của giai đoạn cũ, không liên quan đến hoạt động hiện nay. Được biết, ngày 11/3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam cựu thứ trưởng Bộ Y tế.
Cụ thể, công ty cho biết đây là sự việc liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir của công ty với Bộ Y tế nhưng đã diễn ra từ giai đoạn 2005 - 2007, thời điểm doanh nghiệp vừa cổ phần hóa và chưa niêm yết.
Tại thời điểm đó, cổ đông Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối và vụ việc xảy ra trước khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp Dược Cửu Long. Tại thời điểm diễn ra sự việc, CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) - công ty mẹ hiện tại của Dược Cửu Long - cũng chưa đầu tư sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại công ty dược phẩm này.
Liên quan đến khoản tiền 3,848 triệu USD, lãnh đạo DCL cho biết hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện điều tra. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính của công ty cho thấy khoản tiền này không liên quan đến hiện trạng tài chính của doanh nghiệp các giai đoạn sau.
Đến cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL mới niêm yết chính thức trên HoSE, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện pháp lý nói trên).
Như vậy, các khoản lợi nhuận này đã được phân phối từ trước khi cổ đông Nhà nước là SCIC hoàn tất thoái vốn.
Lãnh đạo công ty cũng cho biết hiện tại, DCL hoạt động theo đúng kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Ban tổng giám đốc đề ra. Kết thúc năm 2021, Công ty ghi nhận 715 tỷ đồng doanh thu và gần 88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam được những doanh nghiệp nào sản xuất?
Dược Cửu Long sắp phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP, cổ đông lãi ngay 150% khi cổ phiếu về tài khoản