FLC đã "cầm cố" đại bản doanh 265 Cầu Giấy như thế nào?

08-05-2022 17:13|Ba Lỗ

Sau khi trụ sở được dùng làm tài sản gán nợ, FLC đã thuê lại một phần diện tích tại chính tòa nhà này từ OCB nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ 3 do FLC chỉ định.

Như chúng tôi vừa thông tin, ngày 6/5/2022, Tập đoàn FLC vừa gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM 326 trang tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24/3/2022.

Trước đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt Tập đoàn FLC tổng cộng 370 triệu đồng vì các vi phạm liên quan tới công bố thông tin như: Công bố thông tin sai lệch, không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, hoặc công bố thông tin không đầy đủ nội dung đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu FLC phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như công bố bổ sung thông tin và cải chính những thông tin đã công bố sai lệch.

Ảnh bài viết

Danh sách chi tiết xem thêm tại đây...

Cụ thể, Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tình hình quản trị năm 2020 và 2021 đã điều chỉnh để bổ sung thông tin về giao dịch giữa người nội bộ công ty, người liên quan của người nội bộ với công ty con, công ty do FLC nắm quyền kiểm soát… FLC còn cải chính số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 để điều chỉnh số liệu doanh thu và lợi nhuận gộp.

FLC cũng công bố bổ sung 51 nghị quyết HĐQT về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021. Đây là những thông tin thuộc loại phải công bố trong vòng 24 giờ theo quy định tại Thông tư 96/2020 nhưng thực tế đến ngày 6/5/2022 Tập đoàn FLC mới công bố.

Các nhà băng cho vay bao gồm Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC),…

Các tài sản bảo đảm bao gồm cổ phiếu ROS tại FLC Faros, cổ phiếu BAV tại Bamboo Airways, bất động sản tại các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ninh,…

Những nghị quyết HĐQT này đều do ông Trịnh Văn Quyết ký trong thời gian ông là Chủ tịch HĐQT của cả Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways.

Từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2020, ông Trịnh Văn Quyết còn là Chủ tịch HĐQT của FLC Faros.

Trong số 51 nghị quyết công bố bổ sung trên, có Nghị quyết HĐQT số 61B ban hành ngày 9/11/2020 thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Cụ thể, FLCHomes đã dùng quyền sử dụng đất tại địa chỉ thửa đất số 265, đường Cầu Giấy, phương Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi tọa lạc của tòa tháp văn phòng 42 tầng (gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi), trụ sở Tập đoàn FLC từ tháng 7/2019 đến nay - làm tài sản gán nợ. Tổng diện tích đất để xây dựng tòa tháp này là 3.457 m2.

Về phía FLC, tài sản gán nợ là tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của FLC (tháp văn phòng) bao gồm 4 tầng hầm, 5 tầng thương mại, tầng 6 - tầng kỹ thuật, tầng 7-37 là khu văn phòng, tầng 38. Những tài sản này dùng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, lãi quá hạn (nếu có) của FLC và các công ty trong hệ sinh thái tại OCB phát sinh từ tất cả hợp động tín dụng và/hoặc hợp đồng cấp bảo lãnh, văn bản tín dụng được ký kết giữa Tập đoàn FLC và các công ty với OCB.

Sau khi trụ sở được dùng làm tài sản gán nợ, FLC đã thuê lại một phần diện tích tại chính tòa nhà này từ OCB nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ ba do FLC chỉ định.

Dự án tại 265 Cầu Giấy là tổ hợp trung tâm thương mại - văn phòng - chung cư. Trên website của mình, FLC gọi đó là dự án Bamboo Aiways Tower. Tổ hợp này gồm 1 tháp chung cư 54 tầng và tòa nhà văn phòng 42 tầng, 4 tầng hầm gửi xe, trung tâm thương mại, bể bơi ngoài trời…

Công trình được khởi công tháng 8/2015 và hoàn thành vào quý III/2019. Trụ sở của Bamboo Airways cũng đóng tại đây.

Cái "bắt tay" của 2 đại gia họ Trịnh

Được biết hồi đầu năm 2019, Tập đoàn FLC và OCB đã hợp tác toàn diện cùng phát triển với đại diện là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC lúc bấy giờ và ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB. Hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện nhằm gia tăng lợi ích kinh tế thông qua việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng của nhau qua đó phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, vị thế cũng như khả năng cạnh tranh của mỗi đơn vị.

Theo đó, OCB sẽ cung cấp các giải pháp tài chính về dịch vụ tín dụng trung - dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án của Tập đoàn FLC cũng như các đơn vị thành viên đồng thời OCB cũng cung cấp các gói dịch vụ tín dụng cho khách hàng mua bất động sản tại các dự án do FLC làm chủ đầu tư.

hop-tac.png
Buổi lễ hợp tác chiến lược giữa FLC và OCB năm 2019 (Ảnh: Website FLC)

Về phần mình, Tập đoàn FLC ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài khoản, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ tiền gửi, giao dịch ngoại tệ, … của OCB. Bên cạnh đó, FLC tạo điều kiện để OCB tiếp cận tài trợ tài chính và tham gia đầu tư các dự án của FLC.

Cùng với BIDV và Sacombank, OCB là một trong những ngân hàng cho FLC vay cả nghìn tỷ đồng. Tại phiên họp cổ đông của OCB mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB cho biết, ngân hàng cho Tập đoàn FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Song song đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản.

Lãnh đạo OCB không nói rõ bất động sản được thế chấp là khoản nào đồng thời cũng không hé lộ với cổ đông về việc đã được FLC gán nợ bằng tài sản bất động sản tại 265 Cầu Giấy. Ông Tùng chỉ cho biết riêng giá trị bất động sản thế chấp của FLC tại OCB đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng, đất đai cũng có sổ đỏ đầy đủ.

Do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, OCB đang thương thảo với FLC, Bamboo Airways để thu hồi nợ sớm. Đại diện OCB cho biết, ngân hàng muốn thu hồi nợ của FLC khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng ngay trong tháng 4 và phía FLC cũng "hợp tác rất tốt với các ngân hàng" để trả nợ.

glc.png

Tính đến cuối quý I/2022, FLC có tổng tài sản gần 35.500 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng gần 2.100 tỷ đồng trong 3 tháng lên 26.140 tỷ đồng trong đó có hơn 7.100 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng. Kết thúc quý I, FLC lỗ sau thuế 466 tỷ đồng.

Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I của FLC, tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ ngắn hạn của FLC tại OCB là 713 tỷ đồng, vay dài hạn thông qua trái phiếu phát hành cho OCB Chi nhánh Thăng Long và OCB Chi nhánh Hà Nội lần lượt là 396 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.

Hiện FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 dẫn đến việc cổ phiếu FLC đã bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 15/2.

flc111.png

Kết phiên 6/5/2022, mã này giảm sàn xuống 7.280 đồng - giảm 50% giá trị so với thời điểm đầu tháng 4/2022 khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố.

Lộ lý do Tập đoàn FLC chưa thể công bố BCTC kiểm toán năm 2023

Vụ Trịnh Văn Quyết: Lộ diện 2 ngân hàng trong ‘vòng quay’ nâng vốn điều lệ của Faros

Vụ Trịnh Văn Quyết: Bất ngờ với số lượng nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu ROS 'gốc' yêu cầu bồi thường

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/flc-da-cam-co-dai-ban-doanh-265-cau-giay-nhu-the-nao-118228.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
FLC đã "cầm cố" đại bản doanh 265 Cầu Giấy như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH