G7 kêu gọi bãi bỏ ngay lập tức lệnh cấm thực phẩm Nhật Bản
Đồng thời hàm ý nhắc tới sự ép buộc kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua thương mại.
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm G7 tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Nhóm bảy cường quốc kinh tế (G7) ngày 29/10 đã kêu gọi “bãi bỏ ngay lập tức” các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản. Điều này nhằm ám chỉ các hạn chế của Trung Quốc, kể từ sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tờ Reuters đưa tin.
Tuyên bố trên được các bộ trưởng thương mại G7 đưa ra tại hội nghị vừa diễn ra ở Osaka, Nhật Bản, với hàm ý nhắc tới sự ép buộc kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua thương mại.
"Chúng tôi phản đối các hành động vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế và cam kết xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi”, tuyên bố dài 10 trang của các bộ trưởng thương mại G7 có đoạn viết.
Cách đây hai tháng, Trung Quốc đã ban hành lệnh đình chỉ nhập khẩu cá của Nhật Bản khi sau khi nước này bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý. Tuy nhiên, Nhật Bản và Mỹ cho rằng các biện pháp hạn chế này là không công bằng. Được biết, Nga cũng đã công bố một hạn chế tương tự gần đây.
Bên cạnh đó, G7 còn bày tỏ sự quan ngại về các biện pháp kiểm soát gần đây đối với hoạt động xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng.
Trung Quốc, nhà sản xuất than chì hàng đầu thế giới, mới đây đã công bố hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm than chì trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng.
Hội nghị dự kiến diễn ra trong 2 ngày, tập trung vào chủ đề củng cố chuỗi cung ứng các khoáng sản thiết yếu và những mặt hàng khác nhằm đảm bảo an ninh kinh tế. Theo hãng tin Kyodo, tại hội nghị, các bộ trưởng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lần đầu tiên được mời tới dự hội nghị này.
Người đàn ông Nhật Bản trở thành tỷ phú nhờ phát hiện “vàng lạ” đầy đường
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp gỡ bà con kiều bào tại Đan Mạch
Chuyên gia: Mục tiêu cuối cùng của BRICS không chỉ là phi USD hóa