Gần 100 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm: Nội lực không được cải thiện, quy mô và tuổi thọ giảm dần

02-06-2024 12:58|Khúc Văn

Các chuyên gia khẳng định con số doanh nghiệp rời thị trường cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động.

Gần 100 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm: Nội lực không được cải thiện, quy mô và tuổi thọ giảm dần
Khó khăn đến từ bên ngoài.

Khó khăn đến từ bên ngoài

Bình luận về những con số này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định những khó khăn đè nặng lên doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến tình hình phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm trong suốt những tháng đầu năm nay.

“Các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn từ môi trường bên ngoài, mà nội lực của họ cũng chưa được cải thiện, khi quy mô và “tuổi thọ” giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường là nguyên nhân nội tại”, ông Việt nói.

Theo quan điểm của ông Việt, đó là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung - dài hạn. Những khó này này cũng phản ánh sự thiếu hụt các động lực để tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái.

Cùng với đó, ông Việt cũng cho rằng tình hình ảm đạm trong hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư tư nhân yếu không những tác động tới khả năng phục hồi tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chỉ tiêu vĩ mô về năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mức độ chênh lệch giữa năng suất thực tế và mục tiêu ngày càng có khoảng cách lớn, nếu không có đột biến, thì năng suất lao động của Việt Nam không thể đuổi kịp các nước trong khu vực.

>>Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 36 khoản phí, lệ phí

Phải chú ý tới các giải pháp tín dụng

Thực tế, những khó khăn này của doanh nghiệp cũng là điều mà đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) băn khoăn hiện nay.

"Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Trước những con số biết nói trên, tôi đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động", ông Đồng nói.

Gần 100 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm: Nội lực không được cải thiện, quy mô và tuổi thọ giảm dần
Phải chú ý tới các giải pháp tín dụng.

Trước đó, tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất giữ nguyên theo kịch bản đã xây dựng là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5%.

"Theo tôi thì đây cũng là đề xuất thận trọng nếu nhìn vào những thách thức của nền kinh tế, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp", đại biểu Hà Sỹ Đồng nói và dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (bình quân hơn 21.600 doanh nghiệp/tháng).

Nêu giải pháp cụ thể để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị chú ý đến giải pháp tín dụng.

“Theo đó, nếu quan sát khu vực ngân sách nhà nước thì thấy vế thu đang tăng mạnh hơn vế chi, đã giúp cán cân ngân sách thặng dư lớn tới gần 300.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Thành tích này giúp chính sách tài khoá có thêm dư địa để mở rộng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng kết quả này có nghĩa là một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã được huy động và rút ra khỏi nền kinh tế, chưa được tái phân phối kịp thời trở lại. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp hơn, thậm chí đang âm”, ông Đồng nói.

Đến cuối tháng 4/2024, tăng trưởng huy động vốn âm 1,1% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 4 tăng 1,9% so đầu năm.

"Có thể thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 đặt ra cũng khá thách thức, như chính nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư", ông Đồng nhấn mạnh.

Theo Kiến thức Đầu tư

Doanh nghiệp ‘nhà’ Vinataba chia cổ tức kỷ lục 40% bằng tiền, cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử

SeABank phát triển chính sách SeALoyalty với nhiều đặc quyền cho doanh nghiệp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gan-100-nghin-doanh-nghiep-rut-khoi-thi-truong-trong-5-thang-dau-nam-noi-luc-khong-duoc-cai-thien-quy-mo-va-tuoi-tho-giam-dan-236947.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gần 100 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm: Nội lực không được cải thiện, quy mô và tuổi thọ giảm dần
    POWERED BY ONECMS & INTECH