Xã hội

Gần 7.200 viên chức ở Việt Nam sẽ được xem xét chuyển thành công chức

Thùy Dung 20/08/2024 - 09:27

Trong tổng số 7.191 biên chế viên chức này, có 5.066 biên chế tại địa phương và 2.125 biên chế tại các bộ, ngành Trung ương.

Ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ thông báo đã ban hành Công văn số 5578/VPCP-TCCV gửi đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cùng các địa phương nhằm hướng dẫn quản lý biên chế và xây dựng vị trí việc làm, bao gồm những thông tin liên quan đến biên chế công chức.

Công văn chỉ rõ, vào ngày 23/7, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tiếp nhận Kết luận số 01-KL/BCĐ từ Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, tổng kết kết quả hội nghị lần thứ 3 về công tác quản lý biên chế trong hệ thống chính trị.

Thực hiện theo nhiệm vụ được giao trong kết luận này, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương để rà soát, xét chuyển số viên chức thuộc tổng số 7.191 biên chế hiện đang làm việc tại các vị trí dành cho công chức trong các cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý nhà nước, trở thành công chức theo đúng quy định.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp xem xét chuyển gần 7.200 viên chức thành công chức. Ảnh minh họa

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp xem xét chuyển gần 7.200 viên chức thành công chức. Ảnh minh họa

Trong tổng số 7.191 biên chế viên chức này, có 5.066 biên chế tại địa phương và 2.125 biên chế tại các bộ, ngành Trung ương.

Sau khi hoàn tất, cần xác định rõ số chỉ tiêu biên chế viên chức còn lại cần điều chuyển thành công chức (bao gồm cả số viên chức đã và chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xét chuyển thành công chức theo quy định) để tổng hợp và tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Để giải quyết những vấn đề kéo dài qua nhiều năm, liên quan đến nhiều cơ quan và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ làm đầu mối, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá chặt chẽ việc giao và quản lý biên chế, cũng như thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập tại các cơ quan, tổ chức đang hoạt động theo cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (trước và sau khi áp dụng cơ chế). Từ đó, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất số biên chế công chức và cơ chế tài chính phù hợp cho các cơ quan, tổ chức này.

Theo Văn phòng Chính phủ, quá trình này phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, chủ trương của Đảng và các quy định pháp luật của Nhà nước; đồng thời, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát, đánh giá tình hình biên chế sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2022 - 2026. Bộ cũng cần đề xuất phương án xử lý tình trạng thừa giáo viên giai đoạn 2024 - 2026 tại các địa phương, nhằm báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét và quyết định.

Đối với các bộ, ngành và địa phương, cần nghiêm túc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tinh giản biên chế gắn liền với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý cần khẩn trương phê duyệt và ban hành danh mục vị trí việc làm công chức, viên chức. Đồng thời, tiếp tục triển khai và hoàn thiện việc xây dựng bản mô tả và khung năng lực cho từng vị trí việc làm trong phạm vi quản lý của mình.

>> 12 tỉnh, thành phố tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Cập nhật bảng lương mới nhất của công chức hải quan từ ngày 1/7/2024, mức thấp nhất chỉ hơn 4 triệu đồng

Công chức kế toán được tăng lương ngày 1/7/2024, cao nhất 17 triệu đồng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/gan-7200-vien-chuc-o-viet-nam-se-duoc-xem-xet-chuyen-thanh-cong-chuc-d130904.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Gần 7.200 viên chức ở Việt Nam sẽ được xem xét chuyển thành công chức
POWERED BY ONECMS & INTECH