GDP Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để đứng thứ 2 ASEAN năm 2030

20-11-2023 16:03|Dương Lam

Đó là dự báo của World Economics về quy mô kinh tế Đông Nam Á.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.036 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.482 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.321 tỷ USD.

Theo sau là Philippines với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.170 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.134 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 719,08 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

Còn theo số liệu của World Economics, trong năm 2022, GDP theo PPP của Việt Nam là 1.535 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới. Với con số này, GDP theo PPP của Việt Nam năm 2022 lớn hơn một số nền kinh tế như Australia, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland....

Xét riêng trong khu vực ASEAN, năm 2022, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong khu vực, xếp sau hai nền kinh tế là Indonesia (4.811 tỷ USD) và Thái Lan (1.835 tỷ USD).

Đến năm 2030, World Economics dự báo, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ tăng lên 2.848 tỷ USD, tăng 85,5% so với 2022. Lúc này, thứ hạng của Việt Nam sẽ tăng từ vị trí thứ 23 (2022) lên vị trí thứ 15 (2030), vượt qua hàng loạt nền kinh tế như Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Canada, Ai Cập...

Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, GDP (PPP) của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để xếp thứ 2 trong khu vực vào năm 2030.

GDP Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để đứng thứ 2 ASEAN năm 2030
Top 6 nền kinh tế có quy mô GDP (PPP) lớn nhất khu vực Đông Nam Á năm 2022. Nguồn: World Bank

Ông Phạm Thanh Tùng - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

"10 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó hơn 73% dòng vốn chảy vào công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án đầu tư mới tập trung tại các tỉnh thành đặt trọng tâm công nghiệp, hướng tới chuỗi cũng ứng toàn cầu như Quảng Ninh, Hải Phòng... Có thể nói, Việt Nam hiện là điểm đến yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trên sân nhà", ông Phạm Thanh Tùng nhận định.

Nhìn từ các quốc gia khác, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho rằng, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Bộ Công Thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách này không dàn trải mà tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây sẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư tại Việt Nam.

Hai người nước ngoài giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng là ai?

Từ 1/1/2025, thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam sẽ ‘xóa tên’ một huyện trên bản đồ

Bắt đầu xây cầu dây văng hơn 3.900 tỷ, lớn thứ 2 Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gdp-viet-nam-se-vuot-thai-lan-de-dung-thu-2-asean-nam-2030-211616.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    GDP Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để đứng thứ 2 ASEAN năm 2030
    POWERED BY ONECMS & INTECH