Giá khí đốt tăng phi mã đã khiến các công ty sản xuất thép, phân bón và các sản phẩm đầu vào quan trọng khác của châu Âu dần chuyển hoạt động sang Mỹ do bị thu hút bởi giá năng lượng ổn định và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ.
Theo tờ Wall Street Journal, trong bối cảnh giá năng lượng biến động chóng mặt và các vấn đề dai dẳng trong chuỗi cung ứng đe doạ châu Âu, một số chuyên gia kinh tế cho rằng châu Âu sắm xảy ra nguy cơ gọi là "kỷ nguyên phi công nghiệp hóa".
Mới đây, Washington đã công bố một loạt giải pháp đối với ngành sản xuất và năng lượng xanh.
Các nhà điều hành doanh nghiệp nhận định, những lợi thế về năng lượng ngày càng nghiêng về phía Mỹ, nhất là đối với những công ty rót vốn vào dự án sản xuất hóa chất, pin và các sản phẩm có hàm lượng năng lượng lớn khác.
“Chẳng có lý do gì để không chuyển sản xuất tới Mỹ”, CEO Ahmed El-Hoshy của công ty hoá chất OCI NV có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, phát biểu. Trong tháng 9 này, OCI tuyên bố mở rộng một nhà máy sản xuất ammonia ở Texas.
Giới phân tích cũng cho rằng, dù Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát kỷ lúc, những nút thắt trong chuỗi cung ứng và nguy cơ suy thoái nhưng đầu tư mới của Mỹ vào cơ sở hạ tầng, ngành chíp và các dự án năng lượng xanh đã làm gia tăng sức hút với các nhà sản xuất.
Các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích nói rằng, châu Âu vẫn là một địa chỉ hấp dẫn đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và sở hữu lực lượng lao động công nghiệp trình độ cao. Nhờ nhu cầu bị dồn nén trong đại dịch, các công ty phải mua năng lượng với giá “cắt cổ” trong những tháng gần đây đã có thể đẩy phần chi phí tăng thêm này về phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tình trạng ngất ngưởng của giá năng lượng sẽ kéo dài trong bao lâu.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng, các nhà sản xuất khí đốt ở những nước như Canada, Mỹ và Qatar có thể không thay thế hoàn toàn được nguồn cung khí đốt mà Nga vốn thường cung cấp cho châu Âu, ít nhất là trong trung hạn. Nếu như vậy, châu Âu có thể phải chống chọi với giá khí đốt đắt đỏ, và mức lạm phát cao như một hệ quả tất yếu, cho tới năm 2024. Một kịch bản như vậy có thể gây ra những vết sẹo vĩnh viễn trong nền sản xuất của khu vực.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ khó khăn trong 2 mùa đông”, CEO Stefan Borgas của RHI Magnesita NV - một công ty sản xuất vật liệu chịu nhiệt có trụ sở ở Áo. Ông cho rằng nếu châu Âu không thể tìm được nguồn cung khí đốt rẻ hơn hoặc đẩy mạnh việc sản xuất năng lượng tái sinh, “các công ty sẽ đi tìm nơi khác để hoạt động”.
Magnesita đang đầu tư khoảng 8 triệu Euro, tương đương 8 triệu USD, để chuyển đổi các nhà máy của công ty ở châu Âu từ sử dụng khí đốt sang sử dụng than hoặc dầu. Công ty cũng tích trữ khí đốt tại một bể chứa ngầm trước đây thuộc sở hữu của công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom nhưng đã bị Chính phủ Áo giành quyền sở hữu.
Ông Borgas lạc quan về nhu cầu thép ở Mỹ, nơi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng cải thiện triển vọng của lĩnh vực năng lượng xanh. Nhưng nhà sản xuất như Magnesita xem hydrogen là nguồn năng lượng chủ chốt để thay thế năng lượng hoá thạch và giảm khí thải tại các nhà máy ở châu Âu, Mỹ và các khu vực khác. Cam kết của Chính phủ Mỹ về đầu tư vào các dự án năng lượng xanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc sản xuất hydrogen và kéo giá năng lượng này xuống.
“Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ… Chúng tôi rất, rất lạc quan về Mỹ”, vị CEO phát biểu.
Hãng thép ArcelorMittal SA có trụ sở ở Luxembourg mới tháng này tuyên bố sẽ cắt giảm sản xuất tại hai nhà máy ở Đức. Trong khi đó, hãng công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của một nhà máy mới được đầu tư ở Texas trong năm nay. CEO Aditya Mittal của ArcelorMittal nói rằng thành công của cơ sở sản xuất này một phần nhờ giá năng lượng cạnh tranh, và cụ thể là giá hydrogen “mềm” ở Texas.
Nhiều công ty ở châu Âu vẫn còn thận trọng với việc thay đổi chiến lược kinh doanh, bởi có nhiều khó khăn trong việc xây dựng những nhà máy như luyện nhôm. Một nhà máy luyện nhôm có thể đòi hỏi vốn đầu tư hàng tỷ USD và mất nhiều năm để hoàn tất.
“Chỉ thời gian mới có thể trả lời đây sẽ là thay đổi mang tính cơ cấu hay chỉ là một sự dịch chuyển tạm thời”, người phát ngôn của BASF - tập đoàn hoá chất Đức, một trong những doanh nghiệp châu Âu mua nhiều khí đốt Nga nhất - phát biểu. Do giá khí đốt trở nên quá “chát”, BASF đã cắt giảm sản xuất tại các nhà máy của hãng ở Bỉ và Đức.
CEO Svein Tore Holsether của công ty phân bón khổng lồ Yara International ASA có trụ sở ở Na Uy nói rằng, các nhà sản xuất ở châu Âu sẽ phải chật vật để giữ năng lực cạnh tranh nếu như giá năng lượng không giảm hoặc thiếu vắng những hỗ trợ như ở Mỹ.
Vì lý do này, một số ngành công nghiệp sẽ vĩnh viễn dịch chuyển”, ông Holsether nhấn mạnh.
Nga siết nguồn cung, Đức ký thỏa thuận khí đốt ‘lịch sử’ với UAE
Lý giải nguyên nhân khiến giá dầu châu Âu liên tục đạt đỉnh
Đại gia khí đốt sắp chi gần 13.800 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông