Giá phòng trọ ‘lên cơn sốt’ trước thềm nhập học
Mức giá cho thuê phòng trọ, chung cư mini tại những khu vực tập trung các trường đại học ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP. HCM hiện đang "nóng lên", đặc biệt trước thềm năm học mới.
Giá mua bất động sản tăng nên giá thuê cũng cần tăng?
Trước mùa nhập học, nhu cầu tìm kiếm phòng trọ với các tiêu chí rẻ, ổn định, an toàn, gần trường... ngày càng tăng cao.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, chỉ trong tháng 7, mức độ quan tâm đến phòng trọ, nhà trọ cho thuê tại TP. Hà Nội đã tăng 10% so với tháng 6; trong khi đó tại TP. HCM, mức tăng này là 22%.
Cùng với đó, giá thuê trọ tại một số khu vực cũng đều có dấu hiệu đi lên từ quý II/2024.
Đơn cử như tại phường 9 (quận 5, TP. HCM) - nơi gần các trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM, ĐH Sư phạm TP. HCM... giá cho thuê phòng trọ phổ biến trong quý II/2024 rơi vào khoảng 6 triệu đồng/tháng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tại TP. Hà Nội, khu vực tập trung các trường ĐH như ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân... giá thuê phổ biến trong quý II/2024 ở vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, cán mốc cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Giá thuê tại phường Bách Khoa đã tăng 25% trong giai đoạn từ quý III/2020 đến quý II/2024.
Theo chia sẻ của B. (sinh viên năm nhất ĐH Xây dựng - Hà Nội), năm ngoái B. có thuê một căn phòng trọ (không điều hòa) trong dãy trọ 10 phòng với giá 1.800.000 đồng/tháng (chưa điện nước). Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng ở, chủ nhà đã thông báo tăng 200.000 tiền phòng với lý do "mặt bằng chung như thế".
Sinh viên này cho biết phòng chỉ có nóng lạnh chứ cũng không được trang bị gì thêm. Nhưng do đi học gần trường, thuận tiện di chuyển xe bus nên B. vẫn chấp nhận ở và có thể thời gian tới sẽ tìm người ở ghép để chia bớt gánh nặng về chi phí.
Ở những khu vực khác trên địa bàn Hà Nội, người dân đi thuê nhà cũng đang chịu cảnh áp lực khi tiền nhà tăng theo tháng.
Vợ chồng anh D. (Cầu Giấy) thuê một căn phòng rộng 25m2 trong tòa chung cư mini nằm trên phố Trần Thái Tông với mức giá 7.500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, sau mỗi lần sơn sửa, trang bị thêm phòng cháy hoặc thay mới nội thất, chủ nhà lại báo tăng giá phòng từ 300.000 đến 1.000.000 triệu đồng.
Khu vực ghi nhận mức giá tăng nhiều nhất tại TP. Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng...
Theo chia sẻ của một số chủ trọ trên địa bàn Hà Nội, việc họ tăng giá thuê từ 10-15% là do giá mua BĐS "leo thang", chi phí đầu tư cao do bố trí thêm nội thất...
Không ít các tòa chung cư mini mới có giá thuê từ 10-12 triệu đồng phòng/tháng, ngang ngửa với giá chung cư ở khu vực xa trung tâm.
Sinh viên, người trẻ mới ra trường lựa chọn lối sống tối giản
Việc thị trường phòng trọ tại các khu vực gần trường ĐH tại các thành phố lớn đồng loạt tăng giá đã khiến những người thuê nhà, đặc biệt sinh viên hay người trẻ mới ra trường phải cân đối lại chi phí.
Theo số liệu thống kê từ Batdongsan.com.vn, hành vi thuê nhà trong 6 tháng cuối năm 2024 của người tiêu dùng cho thấy, có đến 47% người được hỏi chọn phương án thuê phòng trọ đơn giản với ít nội thất hơn, 51% chọn thuê phòng có diện tích nhỏ hơn.
Ngoài ra, một số phương án khác cũng được người thuê lựa chọn đó chính là chấp nhận ở ghép.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, ngoài giá thuê, người thuê phòng cần quan tâm đến tính thuận tiện khi di chuyển cũng như an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Dù vậy đối với những đối tượng đã đi làm thì việc lựa chọn có phần "dễ thở" hơn; trong khi đó đối với đối tượng sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường sẽ phải "cân đo đong đếm rất nhiều", do còn phụ thuộc nhiều vào kinh tế của gia đình.
Đà tăng giá thuê phòng trọ, chung cư mini gần gấp đôi với tăng trưởng thu nhập của người dân thành thị theo năm.
Theo kết quả khảo sát về mức sống dân cư năm 2023 do Tổng cục Thống kê tiến hành cho thấy, thu nhập bình quân tại khu vực thành thị chỉ tăng 5,3% so với năm 2022, đạt gần 6,3 triệu đồng/người.
Trước bối cảnh nền kinh tế liên tục gặp khó và vừa vực dậy sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại hơn so với trước.
Trong khi đó nhu cầu cần thuê nhà của người lao động ở các KĐT lớn luôn ở mức cao. Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI), TP. HCM và Hà Nội duy trì vị trí top đầu địa phương người dân muốn di cư đến nhất. Cụ thể, 22% trong số này cho biết lý do muốn chuyển đến hai thành phố lớn để có cơ hội việc làm tốt hơn.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá phòng trọ được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất trong 1-2 tháng tới, khi số lượng sinh viên nhập học tại Hà Nội và TP. HCM vẫn tiếp tục tăng. Điều này càng khiến nhóm đối tượng là sinh viên, người lao động thấp buộc phải tính toán và điều chỉnh chi tiêu nhằm đảm bảo hài hoà giữa các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn, sau nhiều sự cố cháy nổ tại các khu trọ, khu chung cư gây hậu quả nghiêm trọng, việc siết an toàn phòng cháy chữa cháy được xem là điều cần thiết.
Do đó, các chủ trọ đầu tư thêm thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh, chi phí này cũng được tính vào giá cho thuê để bù đắp khiến cho giá phòng trọ có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm.
Trước thực trạng này, để giảm tải áp lực cho khu nhà trọ cũng như chung cư nội đô, nhà ở xã hội được xem là giải pháp hiệu quả giúp người lao động có thể thuê với chi phí rẻ, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cũng như đảm bảo an ninh an toàn.
Nhóm người lao động ngoại tỉnh, vợ chồng trẻ, sinh viên, người mới ra trường... là nhóm đối tượng hướng đến phân khúc nhà ở xã hội nhiều nhất.
Các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội mua và cho thuê bằng cách tăng ưu đãi lãi suất, thuế, tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này.
>> Sau cơn sốt đất vùng ven: Khó xác định được hành vi đầu cơ, 'thổi giá'?
Chung cư tiếp tục lên 'ngôi vương' tại thị trường bất động sản Hà Nội
Đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự cố thang máy nguy hiểm tại khu chung cư đông dân nhất Hà Nội