Giá thép giảm 8 lần sau 2 tháng, doanh nghiệp thép có thể cán đích lợi nhuận 2022?

11-07-2022 17:05|Phương Linh

Giá thép trong nước tiếp tục giảm thêm 360.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm thứ 8 của giá thép trong nước trong 2 tháng qua.

Giá thép tiếp tục giảm

Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,24 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Ý giảm giá CB240 và D10 CB300 lần lượt 200.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn xuống còn 16,16 triệu đồng/tấn và 16,56 triệu đồng/tấn.

Về Thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 300,000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn còn 16,06 triệu đồng/tấn và 16,51 triệu đồng/tấn. Về phần thép Kyoei, giá hôm nay là 16.06 triệu đồng/tấn và 16,46 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300, giảm 200.000 đồng/tấn và 140.000 đồng/tấn so với trước đó.

Trong khi đó, Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17 triệu đồng/tấn.

Như vậy, trong 2 tháng, giá thép ghi nhận lần giảm thứ 8 với tổng mức giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi. Tuy nhiên, cầu sử dụng thép trong các công trình xây dựng không cao nên tiêu thụ thép giảm. Áp lực cầu yếu ở thị trường Trung Quốc và toàn cầu kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 khiến thị trường chững lại. Ngày 7/6, giá phôi thép giao dịch tại Đông Nam Á ở mức 649 USD/tấn, giảm 163 USD/tấn so với đầu tháng 5. Trước nhu cầu giảm, nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng kéo tiêu thụ thép trong nước đi xuống.

Việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào như than, quặng sắt giảm. Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn song việc nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.

Mặt khác, do tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu nên giá thép trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây. Dù vậy, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầy yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Các yếu tố hỗ trợ kém triển vọng

Thị trường thép trong nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió khi tăng mạnh vào quý I nhưng rồi lao dốc vào quý II khi trải qua 8 lần giảm giá. Nguyên nhân là vì nhu cầu thép trong nước vẫn đang suy yếu. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết giá cả xăng dầu và tiền lương lao động tăng kéo theo các chi phí sản xuất tăng theo. Trong khi đó, nhu cầu thép ở các công trình thấp.

Giá thép giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến các nhà phân phối tìm cách giảm hàng tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này càng khiến việc tiêu thụ thép trong nửa đầu năm nay càng thêm ảm đạm.

Do vậy, các nhà máy thời điểm này đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Hồng Kông, Canada và Mỹ. Động thái chuyển dịch này phản ánh ngay trong số liệu của tháng 5 khi xuất khẩu thép xây dựng tăng tới gần 49% lên 260.000 tấn. Việc tăng trưởng ở mảng xuất khẩu đã phần nào giúp bù đắp sự ảm đạm ở thị trường trong nước và kéo kết quả bán hàng chung của cả tháng 5 tăng 17% sau khi giảm sâu tới 40% trong tháng 4.

Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 - 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng không được như kỳ vọng. Trước đó, hồi đầu năm VSA cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy ngành thép trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nhận định: “Chưa có nhiệm kỳ nào Chính phủ cam kết đẩy mạnh đầu tư công như nhiệm kỳ này và đây được coi là cứu cánh đối với ngành thép và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân tương đối chậm chạp”.

Bỏ ngỏ việc cán đích kinh doanh

Với những diễn biến không mấy khả quan của thị trường vừa qua, một số công ty chứng khoán hạ dự báo doanh thu, lợi nhuận của các công ty thép.

Bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát năm 2022 xuống 26,5 nghìn tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm.

Còn với Hoa Sen, SSI Research cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng - giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ.

Bản thân ban lãnh đạo của Hoa Sen cũng không chắc về những biến động khó lường của thị trường thép năm nay. Do đó, Hoa Sen đưa ra 3 kịch bản về lợi nhuận lần lượt là 1.500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và sự ổn định trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Cuối cùng với Nam Kim, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của sẽ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1,35 nghìn tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ, xuống 1,04 triệu tấn trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ.

Dung Quất 2 sắp vận hành, CTCK thông tin bất ngờ về định giá cổ phiếu Hòa Phát (HPG)

Hòa Phát: Thị trường nội địa mở đường cho tăng trưởng mạnh mẽ năm 2025

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-giam-8-lan-sau-2-thang-doanh-nghiep-thep-kho-can-dich-loi-nhuan-2022-139729.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá thép giảm 8 lần sau 2 tháng, doanh nghiệp thép có thể cán đích lợi nhuận 2022?
    POWERED BY ONECMS & INTECH