Giá vàng hôm nay 28/6: bật tăng mạnh sau hàng loạt dữ liệu kinh tế
Giá vàng hôm nay (28/6), thị trường quốc tế bật tăng mạnh sau khi Mỹ công bố nhiều dữ liệu kinh tế, trong đó chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng trở lại, dữ liệu kinh tế của Mỹ lại kém tích cực đã khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro gia tăng.
Giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á, lúc 5 giờ 45 phút (giờ Hà Nội) sáng nay, giao dịch quanh ngưỡng trên 2.326 USD/ounce, tăng mạnh 28 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng trên 2.326 USD/ounce, tăng mạnh hơn 28 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này, tương đương tăng 1,23%.
Thị trường trong nước chốt phiên hôm qua ngày (27/6), giá vàng miếng SJC vẫn tiếp tục đi ngang so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,48 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn đứng phiên 27/6 giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 74,38 – 75,68 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 180.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74,45 – 75,7 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,25 triệu đồng/lượng.
Đêm qua – rạng sáng nay nền kinh tế Mỹ đã công bố hàng loạt các dữ liệu kinh tế, lạm phát diễn biến trái chiều. Cụ thể, chỉ số PCE – thước đo lạm phát quan trọng trong nền kinh tế Mỹ quý 1 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức đạt được trước đó là 3,2% và mức dự báo là 3,3%. Chỉ số PCE cốt lõi quý 1 sau khi trừ giá thực phẩm và xăng dầu tăng 3,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức đạt được trước đó và dự báo là 3,6%.
Trong khi thước đo lạm phát tăng thì đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tháng 5 lại sụt giảm từ mức 0,6% trước đó xuống tăng 0,1%. Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền loại trừ vận tải cũng giảm từ mức tăng 0,4% tháng trước đó xuống mức giảm 0,1% trong tháng 5.
Chỉ có dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ tích cực, với 233.000 đơn, thấp hơn mức dự báo 236.000 đơn và mức 238.000 đơn của tuần trước đó.
Nhìn lại những dữ liệu của nền kinh tế Mỹ đã công bố trước đó như tăng trưởng GDP của Mỹ quý 1/2024 chỉ tăng 1,6%, giảm hơn rất nhiều mức tăng 3,2% quý 4/2023 và thấp hơn mức dự báo 2,4% trước đó. Số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tháng 5 tiếp tục giảm, sẽ dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ sẽ còn sụt giảm sâu. Trong khi đó, thước đó lạm phát là chỉ số giá PCE lại tăng trở lại trong quý 1.
Những dữ liệu kỳ vọng giảm thì lại tăng và dữ liệu kỳ vọng tăng đã giảm, thị trường lo ngại kinh tế Mỹ sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới. Bởi giá cả tăng trong khi nhu cầu giảm sẽ đặt Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó khăn trong xác định hướng điều hành chính sách.
Chuyên gia nhận định, nếu Fed giữ lãi suất cao để kiềm chế lạm phát thì đẩy nền kinh tế suy yếu nhanh hơn. Ngược lại, Fed hạ lãi suất để cứu tăng trưởng thì lạm phát tăng mạnh trở lại cũng sẽ bào mòn nền kinh tế. Do đó, giới đầu tư đã đẩy mạnh mua kim loại quý nhằm tìm kiếm lợi nhuận và đề phòng rủi ro.