Giá vé đường sắt cao tốc: Các nước hiện để mức bao nhiêu, cao hay thấp so với đề xuất cho siêu dự án 70 tỷ USD của Việt Nam?
Từ hệ thống Shinkansen của Nhật Bản nổi tiếng với độ chính xác từng giây, đến CRH của Trung Quốc với mức giá hợp lý, mỗi quốc gia đều có những nét đặc trưng riêng trong dịch vụ đường sắt cao tốc.
Trong những năm gần đây, đường sắt cao tốc đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến và hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Với tốc độ vượt trội, sự thoải mái và an toàn cao, tàu cao tốc đã thu hút nhiều hành khách, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn và cải thiện trải nghiệm đi lại.
Hiện tại, giá vé đường sắt cao tốc tại các quốc gia có sự khác biệt do nhiều yếu tố khác nhau chi phối như chi phí xây dựng, quãng đường di chuyển, quy mô…
Từ hệ thống Shinkansen của Nhật Bản nổi tiếng với độ chính xác đến từng giây, đến CRH của Trung Quốc với mức giá hợp lý, mỗi quốc gia đều có những nét đặc trưng riêng trong dịch vụ đường sắt cao tốc.
Cụ thể, hệ thống đường sắt cao tốc Nhật Bản, Shinkansen, là một trong những hệ thống đường sắt hiện đại và nổi tiếng nhất thế giới. Khai trương vào năm 1964, Shinkansen kết nối các thành phố lớn từ Bắc tới Nam của Nhật Bản, bao gồm Tokyo, Osaka, Kyoto và Fukuoka.
Ví dụ, đối với tuyến Tokaido Shinkansen (Tokyo – Osaka, 515km), giá vé một chiều là 13.620 yên, (ghế không đặt trước) hoặc 14.650 yên (ghế đặt trước) - trong khoảng 2,3-2,5 triệu đồng. Hay tuyến Hokuriku Shinkansen (Tokyo – Kanazawa, 450km), chuyến đi một chiều mất 2,5-3 giờ, chi phí thấp nhất khoảng 14.000 yên, tương đương hơn 2,3 triệu đồng.
Trung Quốc là nơi có mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới, kết nối nhiều thành phố quan trọng với chi phí hợp lý. Tàu cao tốc chạy giữa Bắc Kinh và Thượng Hải có tốc độ tối đa là 350km/h. Hạng 2 có giá 553 - 667 nhân dân tệ (1,9- 2,3 triệu đồng), hạng nhất là 960-1.000 nhân dân tệ (3,3-3,5 triệu đồng) và hạng thương gia 1.800-2.300 nhân dân tệ (6,3-8 triệu đồng).
Hay tuyến Bắc Kinh – Quảng Châu có giá vé hạng 2 khoảng 861,5-993 nhân dân tệ, tương đương khoảng 3-3,4 triệu đồng.
Ở Đông Nam Á, Indonesia đang phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt cao tốc, với dự án nổi bật nhất là tuyến Jakarta-Bandung. Tuyến đường sắt này, dài khoảng 142 km, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ khoảng 3 giờ xuống còn 40 phút.
Tuyến này mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2023, với loại tàu có tốc độ thiết kế 350km/h. Được biết, giá vé hiện tại là 225.000 rupiah (360.000 đồng) cho hạng phổ thông, 450.000 rupiah (720.000 đồng) cho hạng thương gia và 600.000 rupiah cho hạng nhất (970.000 đồng).
Về phía châu Âu, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha (Renfe AVE) là một trong những hệ thống đường sắt cao tốc phát triển nhất ở khu vực này.
Nổi bật là tuyến đường sắt cao tốc Madrid - Malaga (417km) kết nối hai thành phố lớn của Tây Ban Nha, đó là Madrid và Malaga. Các tàu cao tốc trên tuyến này có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 300km/h giúp thời gian di chuyển trung bình là khoảng 2 giờ 30 phút, từ đó tiết kiệm thời gian đáng kể so với việc di chuyển bằng ô tô hay xe bus. Giá vé của tuyến này giao động trong khoảng 60-75 USD, tương ứng 1,4-1,8 triệu đồng.
Nếu so sánh chi phí trung bình, giá vé đường sắt cao tốc Nhật Bản vào khoảng 0,17-0,3 USD/km; Pháp là 0,13-0,22 USD/km, Tây Ban Nha là 0,11-0,17 USD/km, Hàn Quốc là 0,04 USD/km, Đức khoảng 0,2-0,3 USD/km; Indonesia khoảng 0,11-0,28 USD/km.…
Được biết, vé đường sắt cao tốc Bắc-Nam (siêu dự án khoảng 70 tỷ USD) dự kiến bằng 75% giá vé máy bay trung bình, với chặng Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng 1,7-6,9 triệu đồng.
Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của Vietjet và VietnamAirlines. Theo đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD, hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.