Giảm thuế VAT đang là nội dung thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước trong thời gian gần đây.
Ngày 7/5 vừa qua, Chính phủ đã chính thức có tờ trình gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Phương án được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, thách thức và biến động khó lường, mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân là sâu rộng khi Việt Nam hội nhập quốc tế.
Nếu dự án được thông qua, mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% sẽ được giảm 2% về mức 8%. Đồng thời, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Vì vậy, bên cạnh các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, giảm tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí thì giảm thuế VAT như áp dụng cho năm 2022 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Chính phủ là cần thiết.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có một vài chia sẻ.
Thưa ông, hiện nay Bộ Tài chính đang có phương án giảm thuế VAT với một số mặt hàng, dịch vụ xuống còn 8%. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá chính sách này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng?
Ông Trần Đức Anh - Chuyên gia KBSV: Theo số liệu được Tổng Cục thống kê công bố về tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khó khăn, GDP quý 1/2023 chỉ đạt 3,3%. Nếu không tính giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 04 tháng đầu năm vừa được công bố còn phản ánh các chỉ tiêu liên quan khác như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp,... đều đang có sự suy yếu.
Doanh số bán lẻ dù có sự tăng trưởng tương đối tốt nhưng động lực chính lại đến từ nhu cầu mua sắm của khách du lịch quốc tế, trong khi nhu cầu mua sắm nội địa lại chưa cao (được phản ánh qua KQKD của các doanh nghiệp bán lẻ).
Vì vậy, vấn đề cấp bách ở thời điểm hiện tại là hỗ trợ kinh tế qua việc kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các chính sách tiền tệ như hạ lãi suất đã lần lượt được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Còn về chính sách tài khóa thì có 2 vấn đề chính là đầu tư công và giảm thuế.
Được biết chính sách giảm thuế VAT đã từng được áp dụng trong năm 2022. Theo ông, tờ trình lần này có điểm khác biệt nào so với năm ngoái? Đâu sẽ là đối tượng được hưởng lợi nếu chính sách được thông qua?
Ông Trần Đức Anh - Chuyên gia KBSV: Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% vừa được Chính phủ chấp thuận thực tế đã được áp dụng từ tháng 2 đến tháng 12/2022. Điểm khác biệt là việc giảm thuế thời điểm đó chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng, trong khi tờ trình mới áp dụng đồng loạt cho tất cả các mặt hàng hiện đang chịu thuế VAT 10%.
Theo đánh giá của Bộ Tài Chính, dự kiến số tiền hụt thu từ việc giảm thuế tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng. Có thể hiểu theo một cách khác là sẽ có một gói hỗ trợ trị giá 35.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế thông qua việc gia tăng sức mua của người dân bằng việc giảm giá bán của các mặt hàng.
Việc này không nằm ngoài mục đích gia tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất và bán lẻ tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Phương án giảm thuế được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang rất yếu và được kỳ vọng sẽ đánh trúng vào nhu cầu, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Việc áp dụng trên tất cả các mặt hàng, dịch vụ sẽ giúp chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng là một trong những đối tượng được hưởng lợi từ việc giảm VAT. Nghe có vẻ vô lý bởi việc giảm thuế lần này sẽ làm giảm số thu của ngân sách Nhà nước khoảng 35.000 tỷ đồng trong năm 2023, bằng 2,1% trong dự toán tổng thu cân đối ngân sách và bằng 2,6% trong dự toán thu nội địa năm 2023.
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ tăng trưởng kinh tế thì việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp làm ra và bán được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn thì doanh thu tăng, dẫn đến số tiền đóng thuế cũng sẽ tăng theo.
Thưa ông, bên cạnh những tác động tích cực thì liệu phương án giảm thuế này có thể gây ra khó khăn thế nào đối với nền kinh tế nước ta? Liệu đây có phải là những vấn đề đáng lo ngại và cần cân nhắc thêm?
Ông Trần Đức Anh - Chuyên gia KBSV: Bên cạnh những tác động tích, chính sách này cũng tồn tại nhiều mặt trái. Đầu tiên là gây hụt thu ngân sách, tuy nhiên đây không phải là một điểm đáng lo ngại. Nguyên nhân là từ năm 2022 đến nay nước ta đều đang bội thu ngân sách; tỷ lệ nợ công/GDP chỉ khoảng dưới 40%, còn cách rất xa mức trần 60% của Chính phủ.
Thứ hai là rủi ro về lạm phát. Khi tăng tổng cầu của nền kinh tế sẽ khiến lạm phát xuất hiện, nhưng trong 2 tháng trở lại đây CPI đều giảm liên tục. Với việc tổng cầu suy giảm, các cấu phần CPI lõi và hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào (sắt, thép, xăng, dầu,...) cùng hạ nhiệt có thể khiến áp lực lạm phát trong năm nay giảm nhiều so với năm ngoái. Vậy nên khi áp dụng chính sách này thì áp lực lạm phát cũng không phải là yếu tố đáng lo ngại.
Vì vậy, tôi đánh giá đây là một chính sách phù hợp và được ban hành vào đúng thời điểm. Hoàn toàn có đủ cơ sở để kỳ vọng chính sách giảm thuế VAT phát huy tác dụng, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khơi thông hoạt động đầu ra của doanh nghiệp.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho những mặt hàng có thuế suất 10% xuống 8% vào kỳ họp gần nhất trong năm nay, thông thường là diễn ra vào tháng 5 này. Như vậy, nếu Quốc hội chấp thuận thì sẽ ban hành nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc từ tháng 7 đến hết năm 2023. Theo ông, thời gian trên liệu có đủ để doanh nghiệp phục hồi và cải thiện tình hình kinh doanh không?
Ông Trần Đức Anh - Chuyên gia KBSV: Phương án giảm VAT có một số hạn chế nhỏ trong khi lại mang tới nhiều lợi ích lớn, nó giống như một mũi tên được bắn trúng nhiều đích.
Hiệu quả của giải pháp này sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%.
Tuy vậy, để giải pháp giảm 2% thuế VAT phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng chi tiêu, doanh nghiệp mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Còn về vấn đề thời gian, trước mắt có thể áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay, sau đó tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế. Nếu như kinh tế tiếp tục suy yếu trong năm 2024 thì có thể Chính phủ sẽ tiếp tục có những động thái mạnh mẽ hơn như kéo dài thời gian giảm thuế hoặc có mức giảm phù hợp hơn.
Theo ông, nếu phương án trên được Quốc hội phê duyệt thì doanh nghiệp trong lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Ông Trần Đức Anh - Chuyên gia KBSV: Chính sách giảm thuế này sẽ giúp hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các ngành đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức giảm 2% trong 6 tháng cuối năm sẽ khiến chúng ta khó nhận thấy được những thay đổi rõ ràng trong KQKD của các doanh nghiệp. Trong đó, sẽ có một số ngành được hưởng lợi trực tiếp như bán lẻ, tiêu dùng,... đặc biệt là mảng ICT-CE như điện máy, điện thoại, máy tính bảng…
Việc giảm thuế VAT là điều kiện để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
Đề xuất mức thuế 10% hoặc giảm sâu hơn với tất cả các loại hình báo chí
Trung Quốc chuẩn bị miễn thuế bất động sản, kích cầu thị trường trên diện rộng