Nếu có đợt giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4, mừng nhất chắc chắn là những khách hàng chuẩn bị "tậu" những mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Nhưng việc chờ quá lâu có thể khiến nhiều người "quay xe".
Bộ Tài chính mới có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan xin ý kiến về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong vòng 6 tháng (từ 1/8/2024 đến hết 31/1/2025). Dù chính sách trên mới chỉ là đề xuất và vẫn cần xin thêm ý kiến của các bộ ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên thông tin này đã tác động không nhỏ đến thị trường ô tô trong khoảng hơn 1 tháng nay.
Cả người bán, người mua đều ngóng chờ
Là người có nhu cầu mua ô tô mới, chị Nguyễn Lan Phương (33 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tìm hiểu khá kỹ và chốt mua một chiếc xe gầm cao cỡ nhỏ sản xuất trong nước của THACO ngay trong tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, khi "phong thanh" thấy sắp được giảm lệ phí trước bạ cho dòng xe của mình, chị đã quyết định rời lại kế hoạch để mong hưởng thêm ưu đãi.
"Chiếc xe tôi định mua có giá gần 700 triệu, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, có thể tiết kiệm thêm được gần 40 triệu nên tôi quyết định chờ. Có điều, đã hơn 1 tháng rồi mà vẫn chưa thấy thông tin bao giờ được giảm lệ phí nên hơi sốt ruột, còn đại lý cũng không cho đặt cọc giữ chỗ quá lâu vì còn ảnh hưởng đến các ưu đãi riêng", chị Phương nói.
Cũng theo chia sẻ của nữ khách hàng này, hiện, nhiều dòng xe gầm cao cỡ B nhập khẩu cũng có ưu đãi lớn như giảm 50% lệ phí trước bạ, tặng tiền và phụ kiện. Thế nên, có thể chị sẽ cân nhắc đến phương án "tậu" ngay một chiếc xe nhập khẩu khác thay vì "dài cổ" chờ ưu đãi.
Tương tự chị Phương, anh Đỗ Minh Thành (45 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đang quan tâm đến một mẫu xe SUV cỡ D sản xuất trong nước và đồng thời "nghe ngóng" chính sách. Theo tính toán, nếu mua xe vào thời điểm được giảm 50% lệ phí trước bạ, anh Thành sẽ tiết kiệm được tới trên 60 triệu đồng.
"Cuối năm ngoái tôi đã lỡ hụt một lần mua xe vì đặt cọc muộn quá nên hết hàng, thế nên năm nay sẽ quyết tâm mua sớm để hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ, ngoài ra còn được hưởng thêm chính sách ưu đãi giảm giá từ hãng và đại lý. Tôi chưa quá vội đổi xe nên cứ xem xét lúc nào phù hợp và có lợi thì chốt", anh Thành chia sẻ.
Thực tế trong khoảng hơn 1 tháng nay, không chỉ khách hàng mà chính những nhân viên tư vấn bán hàng của các hãng có nhiều mẫu "hot" sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đang "nhấp nhổm".
Anh Lương Thanh Tuấn - Quản lý bán hàng của Honda Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, mỗi tháng trung bình đại lý này bán ra khoảng 200-250 xe. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, khi có thông tin về việc sắp được giảm lệ phí trước bạ thì lượng khách lại giảm sút mạnh. Cụ thể, trong tháng 5 có doanh số là khoảng 140 chiếc, còn tháng 6 vừa qua chỉ được hơn 100 chiếc.
Anh Tuấn cho rằng, lý do chính là bởi nhiều khách hàng có tâm lý chờ bao giờ chính thức giảm lệ phí trước bạ mới bắt đầu "chốt" mua. Với những dòng xe của Honda lắp ráp trong nước như CR-V hay City, khách hàng sẽ "lãi" thêm khoảng 30-65 triệu đồng nhờ vào chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ. Số tiền này đủ lớn để nhiều người hoãn lại việc tậu xe của mình.
"Hiện, hãng Honda liên tục có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dòng xe trong nước bán chạy như CR-V, City nên hầu hết khách hàng cứ khi nào có ưu đãi mới "xuống tiền" chứ ít cọc trước rồi xuất hoá đơn sau để hưởng ưu đãi kép như những năm trước", anh Tuấn chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Văn Bình - nhân viên bán hàng (sales) của một đại lý Mercedes-Benz tại Hà Nội, tâm lý chung của nhiều khách hàng khi biết được thông tin sắp giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước đã tạm hoãn lấy xe để chờ có thông tin chính thức.
Tuy nhiên, không ít khách hàng do đợi lâu và cần xe ngay đã "quay xe" lựa chọn sang các dòng xe nhập khẩu hoặc các xe tồn kho VIN 2023 được ưu đãi lớn hơn. Nếu chậm chân có thể không có xe để giao và bị hết ưu đãi, thiệt hại còn lớn hơn 50% lệ phí trước bạ.
Chính sách "cứu" thị trường ô tô trong nước
Trong thời gian vừa qua, sức ép lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng tăng cao,... đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Theo các chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam đang khá trầm lắng kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Cụ thể, tổng doanh số bán hàng tính đến hết tháng 5/2024 của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công đạt 127.643 xe (gồm 108.309 xe theo số liệu của VAMA và 19.334 xe Hyundai). Con số này giảm tới 47,2% so với 6 tháng cuối năm 2023 (với 241.796 xe) và giảm 6,44% so với cùng kỳ năm 2023 (136.430 xe).
Dù sức mua trên thị trường đang chững lại, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa được công bố, ô tô ngoại vẫn ồ ạt đổ về nước trong 6 tháng vừa qua. Chỉ trong trong nửa đầu năm 2024, đã có gần 75.000 chiếc xe nhập khẩu về nước với giá trị 1,547 tỷ USD. Số lượng này đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường ô tô sụt giảm nhưng lượng xe nhập khẩu về nước vẫn tăng cao, các chuyên gia lo ngại xu hướng của các hãng là chỉ lo nhập khẩu mà không chú trọng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Điều này có thể sẽ gây ra một số hệ luỵ không chỉ đến ngành ô tô mà tác động lên cả nền kinh tế.
Việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm này được cho là có tác động tích cực cho ngành sản xuất ô tô trong nước, đồng thời tạo cú hích như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.
Kể từ thời điểm đại dịch Covid-19, Chính phủ đã 3 lần ban hành Nghị định liên quan đến việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên, ưu đãi này được áp dụng trong thời gian 6 tháng cuối năm 2020; lần thứ hai áp dụng từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 và gần đây nhất là 6 tháng cuối năm 2023.
Vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đề cập đến việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất trong tháng 5.
Tuy vậy, phải đến cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính mới có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan xin ý kiến về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với thời gian đề xuất là từ 1/8/2024 đến hết 31/1/2025.
Lệ phí trước bạ ô tô là khoản lệ phí mà người mua ô tô phải nộp cho cơ quan thuế khi đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện. Hiện, lệ phí trước bạ xe con được Bộ Tài chính quy định tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký.
Theo đó mức lệ phí trước bạ đối với ô tô tại Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức lệ phí trước bạ là 11%; TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành còn lại áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%. Xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con.
Thị trường ô tô 'nóng' từng ngày trong tháng cuối cùng giảm lệ phí trước bạ
Vĩnh Phúc lập kỷ lục thu ngân sách: 3 công ty đóng góp nhiều nhất cùng có một điểm chung