Xã hội

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam có thể còn 46 triệu dân vào năm 2200

Đại Dương 16/10/2024 19:00

Theo Giáo sư Thiện Nhân, không chỉ riêng Việt Nam, các nước trên thế giới hiện cũng phải đối mặt với thách thức về tỷ suất sinh giảm.

Vào sáng ngày 15/10, Báo Phụ nữ TP. HCM đã tổ chức hội thảo khoa học Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn nhằm thảo luận cũng như đưa ra các chính sách về dân số.

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa 15 đã trình bày báo cáo Thách thức của Việt Nam trước 2045 và giải pháp cấp bách, đồng bộ. Theo Giáo sư Thiện Nhân, không chỉ riêng Việt Nam, các nước trên thế giới hiện cũng phải đối mặt với thách thức về tỷ suất sinh giảm. Hiện tại, 38 trên tổng 40 quốc gia có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỷ suất sinh dưới 2.

nhan-1728978912343853089143.jpg
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa 15 trình bày tại hội thảo. Ảnh: Hoài Nhiên

Theo dự báo của Viện Quốc gia về dân số và nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản, dân số của quốc gia này ước tính chỉ còn khoảng 50 triệu người vào năm 2100 và còn 62 người vào năm 3000. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, năm 2100, dự báo dân số nước này chỉ còn khoảng 20 triệu người (mất hơn 61% dân số so với năm 2020).

Giáo sư Thiện Nhân cũng đã chỉ ra 4 nguyên nhân gốc rễ gây ra tổng tỷ suất sinh thấp dưới tỷ suất sinh thay thế hàng chục năm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề lãnh đạo các nước cũng như chủ các doanh nghiệp không xem tái tạo con người, tái tạo gia đình là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, nhiều quốc gia thu nhập cao ưu tiên tăng trưởng GDP cao hơn vấn đề phát triển con người và gia đình bền vững. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, nơi các chương trình khuyến khích kết hôn và sinh con được thực hiện quá muộn, khi tổng tỷ suất sinh giảm xuống quá thấp.

Từ thực trạng dân số, kinh tế và xã hội của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước có thu nhập cao, Giáo sư Thiện Nhân đã đưa ra những bài học cho Việt Nam về vấn đề dân số. Theo ông, điều quan trọng nhất là cần lấy hạnh phúc của nhân dân và dân tộc trường tồn làm mục tiêu cao nhất.

dan-so-1-crop-1673365563409.jpg
Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu. Ảnh: Internet

Giáo sư Thiện Nhân cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài. Dự báo thô dân số Việt Nam, ở phương án cơ sở, năm 2200 là 46 triệu người”.

Nếu vậy với con số hiện tại là hơn 100 triệu người, Việt Nam có thể giảm hơn một nửa dân số – tức là khoảng 54 triệu người trong vòng hơn 170 năm tới.

>> Việt Nam chính thức vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ tăng nhưng thời gian sống với bệnh tật trung bình 1 thập kỷ

Trong một thập kỷ tới, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, cứ 5 người dân lại có một người cao tuổi

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, sẽ nằm trong top có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/giao-su-nguyen-thien-nhan-viet-nam-co-the-con-46-trieu-dan-vao-nam-2200-128357.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam có thể còn 46 triệu dân vào năm 2200
POWERED BY ONECMS & INTECH