Tài chính Ngân hàng

Nợ xấu có dấu hiệu bùng lên, Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa loạt cơ chế ‘đặc biệt’

Mạnh Hiếu 18/05/2025 14:58

Một đề xuất mới vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra giữa lúc thị trường đối mặt nhiều rủi ro, hé lộ thay đổi quan trọng sắp diễn ra với hệ thống ngân hàng.

Trước áp lực nợ xấu có xu hướng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thông tin liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung luật hóa nhiều quy định từ Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch và lâu dài cho công tác xử lý nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đây là bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xử lý triệt để nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tín dụng và nâng cao tính an toàn cho toàn ngành ngân hàng.

Nghị quyết 42/2017/QH14, trong thời gian thí điểm, đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều nội dung chưa được luật hóa, dẫn đến khó khăn trong việc thực thi, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, xử lý tài sản liên quan đến thi hành án hoặc các vụ án hình sự. Việc luật hóa các quy định này được xem là cần thiết để tạo sự ổn định pháp lý, thay thế cho các cơ chế tạm thời.

Bối cảnh hiện nay càng làm nổi bật sự cấp thiết này. Nợ xấu trong hệ thống có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân: thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm, năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng còn hạn chế, trong khi thị trường mua bán nợ chưa phát triển đúng kỳ vọng và thiếu cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý tài sản bảo đảm.

Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo là đề xuất mở rộng thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%, không yêu cầu tài sản bảo đảm. Cơ chế này được thiết kế để can thiệp kịp thời, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ dây chuyền.

Việc phân cấp thẩm quyền được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính linh hoạt và kịp thời, phù hợp với yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp nhưng vẫn đảm bảo minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, quá trình sửa đổi luật sẽ đảm bảo tính hợp hiến, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, cân bằng quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ tín dụng, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nợ xấu có dấu hiệu bùng lên, Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa loạt cơ chế ‘đặc biệt’
Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Dự án Luật lần này bao gồm các nội dung luật hóa quan trọng như: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm; kê biên tài sản của bên phải thi hành án; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; bổ sung quy định hoàn trả tài sản là tang vật vi phạm hành chính.

Việc luật hóa các quy định này không chỉ giúp hệ thống ngân hàng vận hành hiệu quả hơn, mà còn là bước đi quan trọng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế vào năng lực điều hành, giám sát và ổn định tài chính của Việt Nam.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV diễn ra trong tuần tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến lớn trong việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch và hiệu quả hơn cho công tác xử lý nợ xấu cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia trong bối cảnh nhiều rủi ro đang hiện hữu.

>> Thị trường vàng 'đỏ lửa', nhà đầu tư tháo chạy vì một thỏa thuận lớn?

Giữa sóng nợ xấu và NIM co hẹp, VietinBank 'ém' hơn 27.000 tỷ đồng chờ bung lợi nhuận

BIDV (BID) có 27.900 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn, cao nhất toàn hệ thống

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-co-dau-hieu-bung-len-ngan-hang-nha-nuoc-muon-luat-hoa-loat-co-che-dac-biet-290042.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nợ xấu có dấu hiệu bùng lên, Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa loạt cơ chế ‘đặc biệt’
    POWERED BY ONECMS & INTECH