Thế giới 24h

Giữa lúc thương chiến nóng bỏng, thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua một mặt hàng

Vũ Bấc 11/04/2025 00:16

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu đậu nành từ Brazil với số lượng lớn trong nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn cung và tận dụng giá cả có lợi giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua ít nhất 40 lô hàng đậu nành từ Brazil trong nửa đầu tuần này, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng nghiêm trọng – Reuters dẫn lời một số nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết. Động thái này nhằm tận dụng giá đậu nành Brazil đang giảm sau một thời gian dài tăng cao.

Giữa lúc thương chiến nóng bỏng, thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua một mặt hàng - ảnh 1
Công nhân làm việc trong vụ thu hoạch đậu nành tại một trang trại ở Orizona, Brazil

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nông sản, đặc biệt là tăng mua từ Brazil – hiện là nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho quốc gia này. Tuy nhiên, đậu nành vẫn là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Trung Quốc.

Động thái gom mua với số lượng lớn diễn ra giữa lúc mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung ngày càng xấu đi. Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên mức 125%, sau khi Bắc Kinh đưa ra kế hoạch áp mức thuế trả đũa lên đến 84% đối với hàng hóa Mỹ. Cuộc đối đầu thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm gia tăng biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản.

Các lô hàng này chủ yếu được lên lịch giao trong các tháng 5, 6 và 7, với tổng khối lượng ước tính ít nhất 2,4 triệu tấn – tương đương gần một phần ba sản lượng đậu nành mà Trung Quốc thường nghiền mỗi tháng, theo các nguồn tin. Việc Trung Quốc đặt hàng lớn vào thời điểm này được xem là bất thường, khi mà quốc gia nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới thường chỉ bắt đầu phụ thuộc vào nguồn cung từ Brazil từ khoảng tháng 2, khi Nam Mỹ bước vào cao điểm xuất khẩu.

“Lượng đặt mua trong tuần này rất lớn và diễn ra một cách nhanh chóng, trái với thông lệ hàng năm”, một nguồn tin cho biết.

Bên cạnh giá cả hấp dẫn, động lực chính thúc đẩy hoạt động mua mạnh lần này là biên lợi nhuận nghiền đậu nành trong nước đang ở mức cao. Giá bột đậu nành – sản phẩm phụ quan trọng dùng trong ngành chăn nuôi – đã tăng vọt do lo ngại chuỗi cung ứng gián đoạn bởi chiến tranh thương mại, giúp các nhà máy ép dầu tại Trung Quốc đạt lợi nhuận cao hơn đáng kể so với thời điểm đầu năm.

Trong những tháng gần đây, các công ty thương mại tư nhân tại Trung Quốc phần lớn né tránh đậu nành Mỹ do rủi ro từ các biện pháp trừng phạt hoặc gián đoạn nhập khẩu. Tuy vậy, các kho dự trữ chiến lược nhà nước vẫn âm thầm đặt mua từ Mỹ nhằm duy trì mức dự trữ ổn định, đặc biệt là trước thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 – thời điểm được xem là nhạy cảm về chính sách đối ngoại và thương mại.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng đậu nành Brazil có thể tăng giá trở lại nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, trong khi nguồn cung toàn cầu có thể bị siết chặt vào quý IV – thời điểm Trung Quốc thường quay lại nhập khẩu đậu nành từ vụ mùa mới của Mỹ.

“Tình trạng thiếu hụt nguồn cung là hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhu cầu vẫn ở mức cao, trong khi lựa chọn thay thế từ Mỹ trở nên rủi ro,” một nhà phân tích thị trường nhận định. “Các nhà máy nghiền Trung Quốc có thể trở nên thận trọng hơn, ngay cả khi giá đậu nành có dấu hiệu giảm nhẹ trong ngắn hạn".

Tham khảo BNN, Reuters, MarketWatch

>> Trung Quốc trả đũa thuế quan, nông sản Mỹ đi đâu về đâu?

Intel, DuPont, PVH, Lockheed bị 'nhắm bắn': Trung Quốc phản công toàn diện, sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi

Quốc gia hiếm hoi hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư tăng mạnh chưa từng thấy

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/giua-luc-thuong-chien-nong-bong-thuong-nhan-trung-quoc-o-at-thu-mua-mot-mat-hang-140214.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giữa lúc thương chiến nóng bỏng, thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua một mặt hàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH