Gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết "Gỡ cảnh báo 'Thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Phú Yên" của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương.
Nông nghiệp nói chung, ngành thuỷ sản nói riêng là một trong những thế mạnh của Việt Nam và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản đóng góp hơn 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong khi ngành nuôi trồng thuỷ sản ngày càng phát triển thuận lợi với nhiều giải pháp về cả công nghệ, chính sách, tiêu chuẩn … thì ngành khai thác thuỷ sản đang gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn đó chính là việc Uỷ ban châu Âu áp dụng thẻ vàng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với ngành thủy sản khai thác của Việt Nam.
Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của thuỷ sản khai thác nước ta. Kể từ khi Uỷ ban châu Âu áp dụng thẻ vàng IUU, lượng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Âu sụt giảm mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận ngư dân đánh bắt xa bờ và chiến lược đảm bảo và thực thi chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Là một trong 28 địa phương ven biển, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản đóng góp vai trò quan trọng đối với không chỉ phát triển kinh tế của tỉnh mà còn đảm bảo đời sống, an sinh xã hội của người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Năm 2023, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 25,6% trong cơ cấu GRDP tỉnh Phú Yên, trong đó, thủy sản chiếm khoảng 30% trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản. Do đó, Phú Yên quan tâm và triển khai sát sao các hoạt động về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có phát triển bền vững ngành thuỷ sản và công tác chống khai thác IUU.
Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhất là các đợt cao điểm, các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Nhờ đó, công tác phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt được kết quả tích cực.
Từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. 658/663 tàu (đạt 99,25%) của tỉnh Phú Yên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); còn 5 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã được thống kê, quản lý chặt chẽ, không cho tham gia khai thác thủy sản. Công tác quản lý tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng và xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Trong thời gian tới, để tiếp tục cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Phú Yên tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho bà con ngư dân khai thác đúng quy định gắn với thực hiện các chính sách chuyển đổi, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân không còn tham gia hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp hoặc tàu cá không còn đủ điều kiện theo quy định. Bố trí đủ nguồn lực, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp, trong đó có thuỷ sản của tỉnh.
Phát triển bền vững, trong đó có ngành thuỷ sản là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta trong suốt thời gian qua. Là địa phương có nhiều lợi thế kinh tế biển, Phú Yên đã và đang nỗ lực cùng cả nước xây dựng và phát triển ngành thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế xanh, hiệu quả và bền vững, xây dựng đời sống chất lượng cao cho bà con ngư dân và góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Phạm Đại Dương
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.
Gỡ 'thẻ vàng' IUU là bước đầu phát triển ngành thủy sản bền vững