Gỡ vướng về cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon

05-07-2023 12:15|Phương Thanh

Việt Nam chưa có chính sách để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân trong giảm phát thải khí nhà kính, cũng như hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ phát thải thấp.

Được biết rằng đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon, tuy nhiên thực tế còn nhiều vướng mắc để đưa mục tiêu này đạt đúng tiến độ. Bên cạnh đó một số ý kiến cho rằng thị trường carbon chỉ dành cho các tổ chức chuyên nghiệp có lượng vốn chủ sở hữu trị giá hàng nghìn tỷ USD, để được hiểu rõ hơn về những khó khăn và lộ trình thực hiện, DĐDN có cuộc trao đổi với TS. Lê Huy Huấn - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh nội dung này.

ts-huan.jpg
TS. Lê Huy Huấn - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

- Thưa tiến sỹ, một số ý kiến cho rằng thị trường carbon chỉ dành cho các tổ chức chuyên nghiệp có lượng vốn lớn, quan điểm của ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, quan điểm này đúng nhưng chưa đủ. Đúng vì các doanh nghiệp lớn có lợi thế trong cuộc đua công nghệ để chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất xanh, có cơ hội để bước vào thị trường trao đổi tín chỉ carbon và dành lấy những lợi ích sớm hơn. Nhưng rõ ràng thị trường carbon là một thị trường phức tạp và phân mảnh; do vậy, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoặc theo khu vực địa lý khác nhau vẫn có thể tham gia vào thị trường carbon từ những góc độ riêng.

Thực tế, xu hướng chung cho thấy tất cả các chủ doanh nghiệp sẽ ngày càng cần hiểu rõ về thị trường, định giá carbon, chi phí liên quan đến giá trị lợi ích đối với lợi nhuận của họ. Các chủ doanh nghiệp bất kể quy mô sẽ ngày càng được hưởng lợi khi biết về các hệ thống định giá carbon đang phát triển, các quy định và điều kiện thị trường tại các khu vực pháp lý nơi họ hoạt động.

Như chúng ta biết, thị trường carbon bao gồm cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện; theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện này. Hàng hóa carbon trên thị trường hình thành từ đa dạng các nguồn từ các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kính như trồng rừng chẳng hạn, các dự án năng lượng tái tạo. Qua đó, các doanh nghiệp có thể bán lượng tín chỉ carbon thông qua việc các chương trình tạo tín chỉ được các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia công nhận như vậy.

Thậm chí đơn giản hơn, các doanh nghiệp muốn thể hiện trách nhiệm xã hội, hình ảnh, thương hiệu của mình, doanh nghiệp có thể tự nguyện mua tín chỉ carbon để chung tay bảo vệ môi trường. Ở một góc độ khác, phát triển thị trường cacbon sẽ giúp các khoản tín chỉ carbon đồng đều hơn góp phần củng cố hoạt động giao dịch xung quanh một số loại tín chỉ và cũng thúc đẩy tính thanh khoản trên các sàn giao dịch.

00000000.jpg
Các doanh nghiệp sớm thực hiện các giải pháp giảm phát thải có thể tính toán, xác định và bán lượng tín chỉ carbon dư thừa nhờ giảm được lượng khí thải, tạo ra thêm doanh thu cho doanh nghiệp.

- Theo ông thị trường cabon được vận hành chính thức thì sẽ đem lại những lợi ích nào cho doanh nghiệp và Nhà nước?

Khi thị trường các-bon được vận hành chính thức, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này sẽ đạt được các lợi ích sau:

Một là, trong ngắn hạn, đối với các doanh nghiệp phát thải/gây ô nhiễm nhiều, họ có thể ngay lập tức mua các khoản tín chỉ để trang trải cho lượng khí thải mà họ thải vượt quá định mức vào khí quyển. Lượng tín chỉ carbon này chính là giấy phép cho phép một doanh nghiệp hoặc tổ chức phát thải CO2, qua đó duy trì ổn định quá trình sản xuất. Đặc biệt, với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước châu Âu hay Mỹ, khi chưa kịp đầu tư công nghệ giảm phát thải thì doanh nghiệp có thể lên sàn giao dịch để mua bổ sung lượng tín chỉ thiếu hụt ngay.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sớm thực hiện các giải pháp giảm phát thải có thể tính toán, xác định và bán lượng tín chỉ carbon dư thừa nhờ giảm được lượng khí thải, tạo ra thêm doanh thu cho doanh nghiệp. Từ đó, nguồn thu nhập mới này quay trở lại giúp các doanh nghiệp bù đắp chi phí triển khai các công nghệ phát thải thấp. Do đó đầu tư càng sớm, chi phí sẽ càng thấp, lợi ích dành cho doanh nghiệp tiên phong sẽ càng cao.

Hai là trong dài hạn, với các yêu cầu và quy định mới của thị trường carbon, việc tham gia vào thị trường cá carbon sẽ khuyến khích và tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ sản xuất và thực hành để giảm lượng khí thải và dấu chân carbon của họ. Điều này có thể giúp họ đạt được các mục tiêu bền vững và giảm tác động đến môi trường.

Ba là, khi tuân thủ các quy định phát thải, tham gia vào thị trường carbon, sẽ giúp các doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng được hình ảnh thương hiệu của mình. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư mà còn giúp các tổ chức và doanh nghiệp thu hút những khách hàng/đối tác đang tìm kiếm các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường.

Về Nhà nước, các lợi ích sẽ đạt được bao gồm:

Về lợi ích kinh tế, xét trên góc độ kinh tế, việc vận hành thị trường carbon giúp đạt mục tiêu giảm phát thải với mức chi phí thấp nhất. Đặc biệt với giá bán tín chỉ carbon ngày càng tăng, doanh thu từ bán đấu giá hạn ngạch phát thải có thể quay trở lại sử dụng để bù đắp cho việc giảm thuế thu nhập cũng như tăng đầu tư công. Thêm vào đó, thị trường carbon hình thành sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời, hydrogen xanh. Thị trường carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ các Hiệp định và trao đổi thương mại quốc tế. Các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không vướng phải rào cản của châu Âu hay Mỹ khi Việt Nam có thị trường carbon.

Về lợi ích môi trường, phát triển thị trường carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bởi vì khi đó, các dạng năng lượng hóa thạch đầu vào cho sản xuất sẽ trở nên đắt đỏ, thay vào đó sẽ chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và doanh nghiệp cũng sẽ phải điều chỉnh sang đầu tư, áp dụng các công nghệ phát thải thấp.

- Vậy, có những vướng mắc nào cần tháo gỡ để giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia thị trường này một cách thuận lợi nhất, thưa ông?

Về cơ chế, chính sách, theo tôi, trước mắt cần tháo gỡ một số vướng mắc sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định về kiểm kê, tiêu chuẩn khí thải và các quy định về báo cáo khí thải và cung cấp thông tin về thị trường carbon để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng các kế hoạch, lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất và nguồn lực. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định, hướng dẫn các doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với các lĩnh vực sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon. Bởi trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2023, hiện có 73 công cụ định giá khác nhau được áp dụng ở các quốc gia. Ở Việt Nam, tới nay vẫn chưa áp dụng được công cụ thị trường carbon ETS hoặc thuế carbon, hai công cụ chính sách được coi là hiệu quả nhất, được nhiều quốc gia sử dụng để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân trong giảm phát thải KNK. Liên quan đến các công cụ đơn giản hơn, chúng ta mới chỉ có cơ chế CDM, áp dụng thuế BVMT đối với một số sản phẩm và thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng (CPFES).

Thứ ba, cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ phát thải thấp, năng lượng tái tạo. Như hiện nay nhiều dự án có khoảng thời gian trễ khá dài giữa thời điểm cũng như lượng tiền đầu tư ban đầu so với thời điểm có thể bán được tín chỉ ra thị trường nên có nhu cầu hỗ trợ tài chính lớn. Tuy có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa tín chỉ carbon; thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường nhưng điều đáng lưu ý là cơ chế chứng nhận căn cứ miễn thuế hoặc hưởng thuế ưu đãi hiện nay rất phức tạp, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó tôi cho rằng cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh, bảo hiểm, bảo lãnh, cơ chế đồng tài trợ để thực hiện mục tiêu hướng tới Net zero.

Song song với đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường, từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bước tiến mới cho kinh tế xanh: Việt Nam lần đầu tiên có hướng dẫn đo đếm carbon rừng

Nếu thị trường carbon vận hành muộn, đại gia nhiệt điện, thép sẽ ra sao?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/go-vuong-ve-co-che-chinh-sach-de-phat-trien-thi-truong-carbon-246881.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gỡ vướng về cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon
    POWERED BY ONECMS & INTECH