Góc nhìn luật sư vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank đến 8,8 tỷ (tiếp): Ngân hàng không được 'siết' tài sản cá nhân khác

19-03-2024 04:14|Hồ Nga

Đây không phải khoản nợ có bảo đảm nên Ngân hàng không được phép “siết” các tài sản cá nhân khác của khách hàng để thu hồi khoản nợ.

Vụ việc khách hàng của ngân hàng Eximbank (EIB) được cho là sở hữu thẻ tín dụng, dư nợ gốc 8,5 triệu đồng và 11 năm sau "gánh" nợ lãi và phạt tổng cộng 8,8 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Thực hư sự việc đang được thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc xác minh làm rõ.

Tuy vậy sự kiện làm dấy lên lo ngại cho người dùng khi sử dụng thẻ tín dụng. Những "chiêu thức" bỏ túi để kiểm tra nợ xấu cá nhân, để thanh toán thẻ tín dụng đúng thời gian, hay để chi tiêu thẻ tín dụng hợp lý nhất đã được nhiều người tìm kiếm.

Trước đó, qua buổi trò chuyện đầu tiên với Luật sư Nguyễn Huy Độ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BFB, một thông tin quan trọng mà khách hàng cần nhớ, là nếu bản thân bị vướng nợ xấu, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà có thể còn liên lụy đến người thân trong các hồ sơ vay vốn.

>> Góc nhìn luật sư từ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8 triệu đồng, sau 11 năm 'gánh' 8,8 tỷ đồng

Tiếp nối chủ đề về sự việc, chúng tôi có thêm những trao đổi với Luật sư Nguyễn Huy Độ, về câu chuyện nợ tín dụng này.

Theo quy định, điều kiện để mở thẻ tín dụng tại ngân hàng sẽ bao gồm cả xác minh thu nhập và khả năng trả nợ, đồng thời khi phát thẻ, cũng cần có sự xác minh từ phía khách hàng. Trường hợp Eximbank mở thẻ tín dụng cho khách đã đúng chưa? Khách hàng xác nhận chưa nhận thẻ tín dụng từ phía ngân hàng, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Pháp luật không quy định về điều kiện mở cũng như quy trình cụ thể về thẩm định, phê duyệt để mở thẻ tín dụng. Việc này phụ thuộc vào quy định nội bộ của từng Ngân hàng.

Cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 quy định về quy định nội bộ về cho vay của các Tổ chức tín dụng phải có các nội dung tối thiểu sau: Điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi suất tiền vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoảnt vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn; quy trònh thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay...

Trong trường hợp Ngân hàng không bàn giao thẻ cho khách hàng theo đúng quy trình nội bộ của Ngân hàng và khách hàng chứng minh được việc không nhận được thẻ mà vẫn phát sinh nghĩa vụ nợ vay thì trách nhiệm thuộc về Ngân hàng.

Góc nhìn luật sư vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank đến 8,8 tỷ (tiếp): Ngân hàng không được 'siết' tài sản cá nhân khác

>> Vụ nợ 8,8 tỷ Eximbank: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Đặt giả thiết về trường hợp giả định khoản nợ của khách hàng được xác minh là đúng, Eximbank tính lãi đúng, thì khách hàng có trách nhiệm đến đâu với khoản nợ này? Eximbank có quyền “siết” các tài sản cá nhân khác của khách hàng để thu hồi công nợ? Theo luật, khách hàng phải đối diện với hình phạt nào nếu Eximbank khởi kiện?

Trường hợp khoản nợ gốc và lãi của khách hàng được xác minh là đúng thì khách hàng phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng. Khoản lãi chậm thanh toán vẫn tiếp tục được tính cho đến khi phía khách hàng thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ.

Vì đây không phải khoản nợ có bảo đảm nên Ngân hàng không được phép “siết” các tài sản cá nhân khác của khách hàng để thu hồi khoản nợ.

Trường hợp này nếu khách hàng không hợp tác trả nợ Ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ quy định tại Hợp đồng tín dụng.

Sau khi có phán quyết của Tòa án thể hiện bằng bản án, Cơ quan thi hành án sẽ Ban hành quyết định thi hành án yêu cầu khách hàng tự nguyện thi hành bản án, trường hợp khách hàng không tự nguyên thi hành án Cơ quan thi hành án có quyền sử dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Góc nhìn luật sư vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank đến 8,8 tỷ (tiếp): Ngân hàng không được 'siết' tài sản cá nhân khác

Vẫn giả thiết, trường hợp khách hàng thực sự nợ quá hạn thẻ tín dụng, bảng thông báo lộ diện trên mạng xã hội là đúng, nhưng với số tiền lãi suất “khủng” được công bố, nếu Eximbank tính sai công thức, hay áp dụng công thức chưa hợp lý, ảnh hưởng tới khách hàng, thì phía ngân hàng chịu trách nhiệm thế nào? Ở giả định trên, nếu phần sai thuộc về Eximbank, nếu khách hàng khởi kiện, Eximbank sẽ đối diện với những hình phạt gì?

Trường hợp sau khi xác minh được việc khách hàng nợ quá hạn thẻ tín dụng là đúng tuy nhiên bảng thông báo khoản nợ là chưa đúng do áp dụng sai công thức tính lãi gây lãi ảnh hưởng tới tinh thần và tài sản của khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện Ngân hàng ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Ngân hàng bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng và công bố thông tin đính chính. Phía Ngân hàng có thể phải bồi thường với điều kiện khách hàng chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra.

Tương tự trong trường hợp phía khách hàng đưa ra các thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng thì Ngân hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, cả hai trường hợp trên phía khách hàng đều phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ vay và lãi quá hạn với mức lãi suất sau khi được đính chính do việc nợ quá hạn thẻ tín dụng là đúng sự thật.

>> Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, giải mã 'sức mạnh' của lãi kép

Giữa lùm xùm thẻ tín dụng Eximbank và lúc VN-Index giảm 25 điểm, EIB lại ngược dòng tăng giá

Góc nhìn luật sư từ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8 triệu đồng, sau 11 năm 'gánh' 8,8 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/goc-nhin-luat-su-vu-no-the-tin-dung-eximbank-den-88-ty-tiep-ngan-hang-khong-duoc-siet-tai-san-ca-nhan-khac-226866.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Góc nhìn luật sư vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank đến 8,8 tỷ (tiếp): Ngân hàng không được 'siết' tài sản cá nhân khác
    POWERED BY ONECMS & INTECH