Hà Nội cần ‘bứt tốc’ đi đầu trong sản xuất công nghiệp
Từ nay đến năm 2035-2040, Thủ đô Hà Nội cần phải bứt tốc đi đầu trong sản xuất công nghiệp, song hành với đó là thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Lựa chọn ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp khoảng 7%-7,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10%-11%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát tăng dưới 4%....
Để đạt được mục tiêu đặt ra, đối với lĩnh vực thương mại nội địa, ngành Công Thương tập trung phối hợp với các địa phương, Sở, ngành để thực hiện kế hoạch đầu tư, cải tạo chợ, kêu gọi đầu tư 1 Outlet, chợ đầu mối Phù Đổng Gia Lâm.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa trên môi trường kinh doanh mạng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương trên địa bàn nhất là trong các chợ.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương tập trung giải quyết tồn tại 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thực hiện chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; hoàn thành khởi công các cụm công nghiệp còn lại... Tập trung đưa ra các giải pháp bảo đảm đầy đủ việc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp mở các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các FTA nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số… lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu;...
Thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, năm 2024 được đánh giá là năm tiếp tục khó khăn, do đó, Sở Công Thương cần tập trung làm tốt và làm bằng được công tác quy hoạch trong lĩnh vực công thương, bởi nếu chỉ làm cho xong thì sẽ không hoàn thiện và việc sửa lại hay và khắc phục sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Từ nay đến năm 2035-2040, Thủ đô phải bứt tốc đi đầu trong sản xuất công nghiệp, song hành với đó là thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các làng nghề, thúc đẩy hoàn thành khu công nghiệp công nghệ cao. "Bởi nếu không có sản xuất sẽ không có việc làm, dẫn đến không có thu nhập, không có giao dịch thương mại và khó có thể phát triển dịch vụ", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, hiện Hà Nội đang có 10 khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy và định hình thu hút đầu tư 15 khu công nghiệp, để nâng tổng số lên 25 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hà Nội sẽ tập trung làm theo trục hướng tâm và đường vành đai tạo mặt bằng thu hút đầu tư.
Với cụm công nghiệp, Hà Nội đang rà soát lại tổng thể 70 cụm công nghiệp, trong đó, những cụm công nghiệp không đạt yêu cầu thì cho giải thể, những cụm công nghiệp nào có tiềm năng cho phát triển tối đa, để thu hút đầu tư, tạo mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện Thành phố cũng đang thúc đẩy việc này để phấn đấu trong những tháng đầu năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng và khởi công các cụm công nghiệp.
Điển hình mới đây, Hà Nội đã khởi công thêm Cụm công nghiệp Đông Phú Yên ở huyện Chương Mỹ. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, việc Cụm công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương.
Ngoài việc phát triển công nghiệp, lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thương mại điện tử, phát triển hệ thống logistics, phát triển hệ thống Outlet, chợ đầu mối…
Theo Kế hoạch, trong năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế kết hợp các nguồn vốn, chú trọng huy động nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi, trang thiết bị theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội.
Về thúc đẩy thương mại điện tử, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến và thị trường sản phẩm du lịch cạnh tranh trên môi trường mạng…
Hà Nội sắp khởi công dự án cầu nối 2 bờ sông Hồng quy mô 16.000 tỷ đồng