Hà Nội: Gần 900 hè phố sẽ được nghiên cứu cho thuê kinh doanh
Theo tiêu chí từ Sở Xây dựng thành phố, hè phố cần có bề rộng tối thiểu 3m để đảm bảo không gian cho người đi bộ, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần diện tích cho kinh doanh và trông giữ phương tiện (trừ các khu phố cổ, nơi hè phố có thể hẹp hơn 3m).
Thời gian qua, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Đề án quản lý, khai thác và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo nội dung đề án, trọng tâm là việc quản lý và khai thác hiệu quả hè phố.
Nguyên tắc xây dựng đề án xác định rõ: Lòng đường và hè phố trước tiên phục vụ mục đích giao thông. Tuy nhiên, một số hè phố có đủ điều kiện sẽ được tận dụng một phần để trông giữ phương tiện, kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch và các hoạt động kinh tế về đêm.
Dựa trên đề xuất từ 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP. Hà Nội) cùng các chuyên gia đã tiến hành khảo sát 273 tuyến đường, bao gồm 468 đoạn tuyến và 899 hè phố.
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 90% các tuyến phố tập trung kinh doanh nhà hàng, buôn bán nhỏ lẻ; khoảng 94% hè phố bị lấn chiếm; chỉ 24% hè phố có lối đi dành riêng cho người khuyết tật.
Dựa trên kết quả này, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã đề xuất 6 tiêu chí sử dụng hè phố cho mục đích kinh doanh.
Cụ thể, hè phố cần có bề rộng tối thiểu 3m để đảm bảo không gian cho người đi bộ, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần diện tích cho kinh doanh và trông giữ phương tiện (trừ các khu phố cổ, nơi hè phố có thể hẹp hơn 3m).
Ngoài ra, các tiêu chí khác bao gồm: Đảm bảo nhu cầu đỗ xe của khách tại các tuyến phố có điều kiện kinh doanh; đối với hè phố rộng hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ xe máy, với điều kiện vẫn giữ lại ít nhất 1,5m dành cho người đi bộ.
Để đảm bảo sự đồng thuận, UBND cấp huyện cần tham khảo ý kiến các hộ dân thuộc khu vực xin cấp phép kinh doanh, đồng thời ưu tiên cho các hộ đã kinh doanh tại vị trí đó.
Thời hạn cấp phép là 6 tháng hoặc 1 năm với thời gian kinh doanh linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo trật tự và giao thông thông suốt.
Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để kinh doanh hoặc trông giữ phương tiện được áp dụng theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND TP. Hà Nội, dao động từ 20.000-40.000 đồng/m2/tháng.
Đề án cũng đề xuất HĐND TP xem xét điều chỉnh mức phí này cho phù hợp hơn với tình hình khai thác và sử dụng.
Theo kế hoạch, trong tháng 1/2025, Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội sẽ tổ chức phản biện về đề án, trước khi đề án chính thức được ban hành vào quý I/2025.
Trước đó, đối với hoạt động trông giữ phương tiện dưới lòng đường, ngày 16/12, TP. Hà Nội đã phê duyệt 234 tuyến phố được phép triển khai, trong đó có 191 tuyến mới bổ sung và 43 tuyến đã được cấp phép trước đây.
Được biết, quận Hoàn Kiếm là địa phương duy nhất Thủ đô thực hiện cho thuê vỉa hè kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm được cấp phép tập trung quảng bá sản phẩm như cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh, bao gồm các địa chỉ: 30, 94 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền, với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Thời gian cấp phép tạm thời cho mỗi lần sử dụng là 6 tháng.
>> Sau thời gian sửa chữa, cây cầu vượt biển từng dài nhất Việt Nam ‘khoác áo mới’