Dù đã đề ra kế hoạch huy động vốn quy mô lớn từ đầu năm 2022, song đến cuối năm 2023, Công ty Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa thành công.
Sáng 6/12, HAG quay lại mạch tăng sau phiên giảm trước đó với khối lượng giao dịch khủng hơn 22,3 triệu cổ phiếu được sang tay. Đáng chú ý, đã có thời điểm thị giá mã này chạm trần trước khi tạm dừng phiên sáng ở mức 12.450 đồng/cp (+4,62%), tương ứng tăng 55% sau hơn 1 tháng.
Diễn biến cổ phiếu tích cực, song CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL vẫn đang loay hoay với bài toán huy động vốn.
Hạ giá, giảm khối lượng vẫn chưa chốt được cổ đông
Nhiều năm sau khi chuyển đổi từ lĩnh vực bất động sản sang nông nghiệp, HAG đã trải qua những thách thức đáng kể về khả năng tăng trưởng tài chính trong các lĩnh vực mới của nông nghiệp, đồng thời đối mặt với khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nợ nần tại ngân hàng và trái phiếu.
Từ năm 2022 đến nay, HAGL đã liên tục đặt ra kế hoạch huy động vốn thông qua việc hợp tác với các tổ chức lớn để mở đường cho quá trình huy động vốn. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn, bất chấp HAG có sự linh hoạt điều chỉnh liên tục, đến nay việc chào bán vẫn chưa có được “cái kết”.
Cụ thể, ngày 8/4/2022, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ về kế hoạch phát hành riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 1.700 tỷ đồng. Ông Đức đã nhấn mạnh nhu cầu vốn để đầu tư mở rộng và không cần tư vấn, nhưng đến ngày 17/4/2023, HAGL bất ngờ thông báo không thể hoàn thành đợt chào bán do giá cổ phiếu không phù hợp với dự kiến, khiến các nhà đầu tư từ chối chào mua.
Sau đó, vào ngày 26/9/2023, HAGL tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.300 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, 700 tỷ đồng dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai thông qua hình thức cho vay và thanh toán các khoản nợ; 330,5 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012, mã HAG2012.300; và số còn lại là 269,5 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang thông qua hình thức cho vay để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Tuy nhiên, sau khi công bố danh sách nhà đầu tư vào ngày 23/11/2023, HAGL lại gặp trục trặc khi hủy bỏ thông tin của 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ chỉ sau một ngày, với lý do có sai sót trong quá trình trao đổi thông tin và cần phải sửa đổi và điều chỉnh.
Với những cố gắng giảm lượng cổ phiếu và giảm giá chào bán, từ 161,9 triệu cổ phiếu xuống còn 130 triệu và giá từ 10.500 đồng/cổ phiếu giảm xuống 10.000 đồng/cổ phiếu, HAGL vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận với nhóm cổ đông dự kiến mua.
Tái cấu trúc nợ vẫn là vấn đề "nhức nhối"
Đối với trái phiếu mã HAGLBOND16.26, tính đến ngày 30/9/2023, Công ty đã ghi nhận số tiền lãi chậm thanh toán lên đến 2.870,59 tỷ đồng và số tiền gốc chậm thanh toán lũy kế là 1.157 tỷ đồng, tổng cộng là 4.027,59 tỷ đồng.
Nguyên nhân chậm thanh toán được Công ty chỉ ra liên quan đến nguồn tiền để thanh toán từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và quá trình thanh lý một số tài sản không mang lại lợi nhuận của Công ty.
Tại ngày 30/9/2023, HAGL ghi nhận tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên đến 7.778,8 tỷ đồng, tương đương 140,3% vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, quỹ tiền mặt chỉ còn 62,3 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng tài sản. Lỗ lũy kế đến cuối quý III lên tới 2.640,6 tỷ đồng, chiếm 28,5% tổng vốn điều lệ.
Với tình hình thực tế như vậy, thách thức chính đối với HAGL hiện nay là khả năng huy động nguồn vốn để phát triển mảng nông nghiệp.
Đã qua nhiều năm, chiến lược liên tục xoay trục của HAGL nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng đã tạo ra sự nghi ngờ. Khi đầu tư vào chăn nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức tỏ ra rất tự tin, nhưng sau đó, doanh thu giảm dần và không còn được ghi nhận. Việc chuyển hướng sang trồng chuối trong quá khứ, và hiện tại là trồng sầu riêng, không thể đảm bảo sẽ đạt được thành công.
Có thể thấy, HAGL vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết, trong đó vấn đề lớn nhất là tái cơ cấu nợ vay, cùng với khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư mới để hỗ trợ mục tiêu phát triển trong ba lĩnh vực là trồng chuối, nuôi heo và sắp tới là trồng sầu riêng.
>> iShares FM gom mạnh HAG, bán hàng triệu cổ phiếu HPG, VIC, VND, VRE