HAGL của bầu Đức nhẹ gánh nợ nần sau 4 năm 'nhờ anh Dương ôm khối nợ' 11.400 tỷ đồng
Cuối năm 2016, khi tuyên bố "HAGL mất thanh khoản", bầu Đức từng khiến nhiều người lo ngại bởi nói ra đồng nghĩa với khả năng lớn là phá sản. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Giấu bệnh thì càng làm bệnh nặng thêm".
![]() |
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL |
Một ngày cuối tháng 11/2021, tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) - chia sẻ rằng sau khi chuyển CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico, mã HNG) cho Thaco Group của tỷ phú Trần Bá Dương quản lý, việc cần làm chỉ còn là tập trung tái cơ cấu HAGL.
"Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu HAGL! Nhờ anh Dương ôm khối nợ mà HAGL mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAGL giờ (thời điểm cuối tháng 11/2021) chỉ còn 4-5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh", bầu Đức chia sẻ.
Thời điểm đó, HAGL Agrico không còn hợp nhất với HAGL mà đã chuyển về THACO, hoạt động kinh doanh được tách bạch rõ ràng. HAGL chính thức đi theo con đường riêng mà bầu Đức đã lựa chọn và đánh đổi gần một thập kỷ trước.
Cuộc "hôn phối" tỷ USD giữa THACO và HAGL bắt đầu từ năm 2018 khi hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, được ví như kế hoạch "trục vớt con tàu đang đắm mang tên HAGL". Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và tỷ phú Trần Bá Dương khi đó chỉ mới "quen biết sơ sơ".
Theo thỏa thuận, THACO đầu tư vào HAGL Agrico và dự án bất động sản của HAGL thông qua việc gia tăng sở hữu cổ phần. Đổi lại, HAGL nhận được khoản "chi viện" lên tới 20.000 tỷ đồng để tái thiết mô hình kinh doanh sau khi tuyên bố "mất thanh khoản" cuối năm 2016.
Nhanh chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu, sau ĐHCĐ bất thường của HAGL Agrico ngày 8/1/2021, THACO Group chính thức tiếp quản HAGL Agrico, ông Trần Bá Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn bầu Đức làm Phó Chủ tịch HĐQT tại HNG.
HAGL giải phóng hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ sau thương vụ với THACO
So với chia sẻ của bầu Đức tại ĐHCĐ tháng 11/2021, việc chuyển giao HAGL Agrico cho THACO Group đã giúp HAGL giải phóng một lượng lớn dư nợ.
Tại thời điểm cuối năm 2020, HAGL Agrico có tổng tài sản gần 24.700 tỷ đồng, trong đó hơn 16.000 tỷ đồng được cấu thành từ nợ phải trả, với dư nợ vay tài chính chiếm 11.400 tỷ đồng.
Cùng năm đó, nợ phải trả của HAGL lên tới hơn 27.200 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2021, sau khi không còn hợp nhất với HNG, con số này đã giảm 50% xuống 13.766 tỷ. Dư nợ vay cũng giảm mạnh từ 18.100 tỷ xuống còn gần 8.300 tỷ đồng.
>> Cùng HAGL xóa 7.000 tỷ đồng lỗ lũy kế sau 4 năm, bầu Đức nói 'chắc là do ở hiền gặp lành'
Ngược lại quá khứ, cuối năm 2016, khi tuyên bố "HAGL mất thanh khoản", bầu Đức từng khiến nhiều người lo ngại bởi nói ra đồng nghĩa với khả năng gần như chắc chắn phá sản. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Giấu bệnh thì càng làm bệnh nặng thêm".
Ở thời điểm đó, dư nợ vay của HAGL đã lên tới 28.000 tỷ đồng, không có khả năng trả lãi và gốc, dòng tiền thuần âm 272 tỷ đồng, không còn nguồn tiền để duy trì hoạt động. "Coi như chết rồi!" - bầu Đức nhớ lại và chia sẻ trên một tờ báo uy tín cuối năm 2024.
![]() |
Nguồn: Báo cáo thường niên 2016 của HAGL |
Dù vậy, sau 5 năm kể từ tuyên bố "mất thanh khoản", gần 20.000 tỷ đồng nợ vay đã được xử lý thành công thông qua thương vụ chuyển giao HAGL Agrico và thoái vốn khỏi các dự án bất động sản. Chỉ riêng năm 2021, tập đoàn đã giảm được 9.800 tỷ đồng nợ vay.
Giai đoạn từ 2022 đến nay, HAGL tiếp tục giảm nợ nhờ thoái vốn, chuyển nhượng tài sản và các hoạt động tái cấu trúc dù mức giảm đã chậm lại. Tính đến cuối năm 2024, doanh nghiệp của bầu Đức còn nợ tài chính 7.000 tỷ đồng, trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất. Nhiều ngân hàng trong nước đã không còn xuất hiện trên báo cáo tài chính, trong khi số nợ còn lại được ông Đức khẳng định là "nợ lành mạnh".
Theo đó, công ty đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ chính thức xóa sạch nợ vay, hoàn tất hành trình tái cấu trúc kéo dài một thập kỷ.