Hai ‘gã khổng lồ’ ngành thép kiện ông Biden vì vụ sáp nhập gần 15 tỷ USD
Các công ty nguyên đơn lập luận trong vụ kiện rằng quá trình xem xét việc ngừng giao dịch thương vụ Nippon Steel muốn sáp nhập với US Steel trị giá 14,9 tỷ USD đã bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.
Sắp nhường "ghế nóng" cho ông Trump, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden vẫn bị kiện
Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden bị cáo buộc đã ngăn chặn bất hợp pháp thương vụ công ty thép Nhật Bản Nippon Steel muốn sáp nhập với công ty cùng ngành của Mỹ US Steel trị giá 14,9 tỷ USD thông qua một cuộc đánh giá an ninh quốc gia giả mạo, hai công ty nêu rõ đơn kiện đệ trình vào thứ Hai (6/1/2025).
Các công ty này muốn tòa án phúc thẩm Liên bang hủy bỏ quyết định trước đó của Tổng thống Mỹ Biden về việc ngừng vụ thâu tóm kể trên. Điều này sẽ giúp họ đảm bảo một cơ hội phê duyệt khác thông qua đợt đánh giá an ninh quốc gia mới mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.
>> Thêm 28 công ty Mỹ bị Trung Quốc 'siết gọng kìm' xuất khẩu
Vụ kiện cáo buộc ông Biden đã gây ảnh hưởng đến quyết định của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), cơ quan chuyên xem xét các khoản đầu tư ngoại quốc nhằm tìm kiếm rủi ro an ninh quốc gia và vi phạm quyền được đánh giá công bằng của các công ty.
Vụ sáp nhập đã trở nên chính trị hóa cao độ trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, với việc ông Biden và đối thủ tranh cử - ông Trump đều cam kết sẽ hủy bỏ vụ sáp nhập khi họ thu hút cử tri tại tiểu bang dao động Pennsylvania, nơi đặt trụ sở chính của US Steel. Chủ tịch Công đoàn United Steelworkers (Nghiệp đoàn Công nhân Thép Mỹ - USW) David McCall cũng phản đối vụ sáp nhập này.
Cả ông Trump và ông Biden đều khẳng định công ty thép US Steel nên vẫn thuộc sở hữu của người Mỹ ngay cả sau khi công ty thép Nhật Bản Nippon Steel đề nghị chuyển trụ sở chính tại Hoa Kỳ đến Pittsburgh, nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất thép Mỹ này và hứa sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận giữa US Steel và USW.
Các công ty cáo buộc rằng Tổng thống Biden đã tìm cách hủy bỏ thỏa thuận này để “lấy lòng giới lãnh đạo USW tại Pennsylvania trong nỗ lực tái tranh cử của mình”.
Các công ty cho biết trong một tuyên bố: “Do ảnh hưởng không đúng mực của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ đã không tiến hành quy trình đánh giá quy định tập trung vào an ninh quốc gia một cách thiện chí”.
>> Tổng thống Biden sẽ cấm khoan dầu vĩnh viễn trên diện tích lớn tại vùng biển của Mỹ
Người phát ngôn của Nhà Trắng đã bảo vệ đánh giá của ông Biden về việc ngừng thỏa thuận sáp nhập vì lý do an ninh quốc gia và nói thêm, “Tổng thống Biden sẽ không bao giờ ngần ngại bảo vệ an ninh của quốc gia này, cơ sở hạ tầng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng”.
Vụ kiện của US Steel và Nippon Steel với chính quyền của ông Biden đã lặp lại những tuyên bố mà các công ty này đưa ra trong lá thư gửi CFIUS ngày 17/12 về việc hiện thực hóa lời đe dọa kiện tụng của mình.
"Chúng tôi không thể lùi bước sau khi bị đối xử vô lý. Chúng tôi sẽ phản công quyết liệt", Phó Chủ tịch Nippon Steel Takahiro Mori trả lời nhật báo Nikkei hôm 6/1.
Ông Mori cho biết quá trình đánh giá của CFIUS thiếu tính toàn vẹn vì công ty Nhật Bản không nhận được phản hồi bằng văn bản về thỏa thuận an ninh quốc gia được đề xuất.
Triển vọng của vụ kiện (trong đó nêu tên Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen) vẫn chưa rõ ràng. Bà Yellen cũng là người giám sát CFIUS. Các chuyên gia cho biết, tòa án thường rất tôn trọng CFIUS trong việc xác định yếu tố an ninh quốc gia.
Hãng thông tấn Reuters cho hay, Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên và Bộ Tài chính không trả lời yêu cầu bình luận.
Trong khi đó, ông Donald Trump, tân Tổng thống Mỹ sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 sắp tới đã đặt câu hỏi đầy sự mỉa mai trong bài đăng trên Truth Social - nền tảng mạng xã hội của mình hôm 6/1: “Tại sao họ lại muốn bán US Steel vào thời điểm này khi thuế quan sẽ khiến công ty đó có giá trị và lợi nhuận cao hơn nhiều?”.
Về phần mình, Tổng Giám đốc điều hành của Nippon Steel, Eiji Hashimoto đã cam đoan với các phóng viên tại Tokyo ngày 7/1 rằng quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp thép Nhật Bản này và US Steel phù hợp với tầm nhìn của ông Trump về việc tăng cường năng lực sản xuất tại Mỹ.
“Nếu chúng tôi thắng kiện và CFIUS mở lại cuộc đánh giá, chúng tôi sẽ giải thích một lần nữa rằng việc mua lại này có lợi cho nước Mỹ. Và tôi chắc chắn rằng chúng tôi hiểu luật”, ông Hashimoto nói.
Cliffs, USW cũng bị kiện
Các công ty Nippon Steel và US Steel cũng đã đệ đơn kiện thứ hai chống lại đối thủ đấu thầu Cleveland-Cliffs, Giám đốc điều hành Lourenco Goncalves và Chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân Thép Mỹ (USW) David McCall “vì những hành động bất hợp pháp và có sự phối hợp” nhằm ngăn chặn thỏa thuận sáp nhập trị giá gần 15 tỷ USD kể trên.
Họ lập luận rằng Cliffs, Goncalves và McCall đã thông đồng để cho phép Cliffs “độc quyền thị trường thép trong nước” bằng cách ngăn chặn mọi nỗ lực khác nhằm mua lại US Steel.
Theo lá thư gửi CFIUS vào tháng trước, Reuters đưa tin Goncalves đã tham gia ít nhất 9 cuộc gọi điện thoại để đảm bảo với các nhà đầu tư rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ngăn chặn vụ sáp nhập giữa Nippon Steel và US Steel.
Ông Goncalves cho biết trong một tuyên bố ngày 6/1 rằng “Nippon Steel và US Steel đã tiếp tục đổ lỗi trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm đánh lạc hướng khỏi những thất bại của chính họ. Các vụ kiện ngày hôm nay chống lại Chính phủ Mỹ, USW và Cleveland-Cliffs là một nỗ lực vô liêm sỉ nhằm đổ lỗi cho người khác về thảm họa do chính US Steel và Nippon Steel tự gây ra”.
Ông McCall cho biết USW sẽ “bảo vệ mình thật mạnh mẽ trước những cáo buộc vô căn cứ này”.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chặn đề xuất Nippon Steel mua lại US Steel vì lo ngại về an ninh quốc gia, giáng một đòn chí mạng vào kế hoạch gây tranh cãi này sau một năm xem xét.
Công ty thép Mỹ US Steel, được thành lập vào năm 1901 bởi một số “ông trùm” lớn nhất Hoa Kỳ, bao gồm Andrew Carnegie, JP Morgan và Charles Schwab, đã gắn liền với sự phục hồi công nghiệp sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai.
Quy trình đánh giá thương vụ 14,9 tỷ USD đã “bị thao túng”?
Nỗ lực mua lại US Steel của Nippon Steel vào tháng 12 năm 2023 đã gặp phải những thách thức ban đầu.
Tổng thống Joe Biden đã phản đối thỏa thuận này vào ngày 14/3/2024, trước khi quá trình đánh giá của CFIUS bắt đầu, khi các công ty này cho rằng Chính phủ Mỹ đã phán đoán trước kết quả và tước đi của họ quyền được hưởng quy trình sáp nhập hợp pháp.
Chủ tịch USW David McCall đã bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Mỹ Joe Biden một tuần sau đó.
Không lâu sau, chính ông Biden cũng đã bị thay thế trong liên danh tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2024 bởi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người cũng phản đối thỏa thuận này và được USW ủng hộ.
CFIUS thường chấp thuận một thỏa thuận hoặc khuyến nghị Tổng thống ngăn chặn nó, nhưng trong những trường hợp hiếm hoi, cơ quan này sẽ chuyển những thỏa thuận đó đến Tổng thống, như đã làm với thỏa thuận của Nippon Steel vào ngày 23/12, tạo tiền đề cho động thái của ông Biden ngăn chặn vụ sáp nhập.
Trước đó, nhân viên CFIUS bị cấm đàm phán với US Steel và Nippon Steel về một thỏa thuận được đề xuất nhằm giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia của ủy ban, tuyên bố của hai các công ty này cáo buộc. US Steel và Nippon Steel cũng cho rằng đó là một sai sót đáng kể so với thông lệ. Các công ty này quả quyết: “Rõ ràng là quá trình đánh giá (thỏa thuận sáp nhập) đã bị thao túng để kết quả có lợi cho quyết định đã định trước của Tổng thống Biden”.
Theo Reuters
Bị Mỹ 'siết gọng kìm', một công ty Trung Quốc sẽ khiến thị trường xe điện thế giới chao đảo?
Mỹ siết ‘vòng kim cô’, ngành xe điện Trung Quốc đối diện khủng hoảng