Hai group "dừng mua tránh ngáo giá" và "dừng bán nhà" tranh cãi nảy lửa về giá nhà đất
Hai group trên mạng xã hội 'Dừng mua nhà tránh ngáo giá' và 'Dừng bán nhà chờ tăng giá' vừa được lập đã có số lượng thành viên khủng, tranh cãi nảy lửa quanh việc giá nhà đất đang tăng cao tại Hà Nội.
Trước sự tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản Hà Nội, người dùng Facebook đã lập group “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” nhằm chia sẻ thông tin và trải nghiệm để mua nhà Hà Nội. Ngược lại, một group có tên “Nhóm dừng bán nhà Hà Nội để chờ tăng giá” cũng xuất hiện, với đa số thành viên là người bán nhà và môi giới, nhằm trao đổi quan điểm mua bán.
Theo quan sát của PV, trên các hội nhóm về thị trường bất động sản hiện nay, có xu hướng chia làm hai luồng quan điểm. Một là, tạm thời dừng việc mua nhà vì hiện giá khá cao, hai là chủ sở hữu phân vân việc có nên bán nhà thời điểm này, thậm chí là “ỉm hàng”.
Diễn đàn “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá”, tuy mới thành lập hơn 4 tháng, tính đến nay đã có gần 60.000 người tham gia, chỉ 1 tuần qua đã thêm hơn 20.000 thành viên mới.
Người lập group trên chia sẻ: “Sau những giai đoạn tìm nhà khó khăn, mình đã dừng lại và không quan tâm nữa. Không phải không tha thiết muốn mua, nhưng giá nhà đất, chung cư cứ tăng theo ngày với mức không tưởng, tăng đến 30-50% trong 6 tháng qua”.
“Chúng tôi không cần mua rẻ, chỉ muốn mua đúng giá trị mà thôi”, chủ group nhấn mạnh.
Tham gia tranh luận, tài khoản Nguyen Nguyen cho rằng, thời gian gần đây, giá cả thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng mạnh cả chung cư lẫn nhà đất, mức tăng từ 50-70%, thậm chí có bất động sản còn tăng tới hơn 100%. Vậy nên giai đoạn này, không mua được thì không vội vì cần phải nắm được giá trị thực, không thể chạy theo giá “phông bạt” nhiều nơi đang rao bán.
Anh Dinh Hong (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, một tháng gần đây, anh đã tự rời các hội nhóm bất động sản vì nhận thấy những thông tin tại đó không có ý nghĩa gì, hầu hết lặp đi lặp lại những thông tin đã có từ bài viết trước. Trong khi, thông tin anh cần thì thiếu.
Nhiều người cho hay, khi thấy nhiều bài viết, môi giới rao bán những bất động sản “khiêm tốn” mà giá “trên trời” thì cảm thấy áp lực. Điển hình như gần đây, có môi giới rao bán căn nhà mặt phố chỉ 30m2 với 1m mặt tiền mà “hét” giá lên tới 6,5 tỷ đồng
Hay tài khoản Pham Huy nêu ý kiến, không chỉ trong trung tâm thành phố, những căn liền kề tại Hà Đông giá cũng dao động 14-15 tỷ, tương đương 200-250 triệu đồng/m2, chưa đến một năm giá đã tăng gấp đôi trong khi những tỉnh, thành lân cận có tăng nhưng không phi mã như vậy.
Không kém cạnh, một tháng gần đây bất ngờ xuất hiện một group tự nhận là "đối trọng" của nhóm trên, có tên “Nhóm dừng bán nhà Hà Nội để chờ tăng giá”. Hết ngày 15/8, nhóm mới có khoảng 400 thành viên. Nhiều độc giả cho rằng, đây có thể là "lời đáp trả" của nhóm cộng đồng môi giới và chủ các bất động sản.
Dưới góc độ môi giới, anh D.A (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét, thời điểm hiện tại đã khác trước rất nhiều, phần lớn môi giới đều là người có kiến thức, có tâm với khách hàng, dù tất nhiên vẫn tồn tại số ít môi giới sẵn sàng hét giá cao hơn giá thực tế để “ăn” chênh lệch.
Môi giới này mong rằng, người mua hãy nhìn nhận môi giới nhà đất với cái nhìn tích cực hơn. Theo anh, tuy thị trường bất động sản đang biến động mạnh, nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới những người làm môi giới.
“Bất động sản được giá là mình chốt, chứ mình không băn khoăn quá nhiều về thị trường hiện tại”, môi giới A nói.
Chủ tài khoản Minh Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ, mật độ dân cư ở Hà Nội vốn dĩ rất đông, để mua được một căn nhà ưng ý trong nội thành khách phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Vậy mà có người mặc cả chỉ bằng 60-70% giá trị ngôi nhà, như thế không ai muốn bán, mua không được rồi lại lên các diễn đàn bất động sản “kêu gào”.
Nhiều độc giả trong group này nêu quan điểm, nhà đất chỉ có chững lại hoặc tăng nhẹ, chứ không bao giờ giảm đến 50%, nếu giảm mức đó thì thị trường sẽ trở nên hỗn loạn. Lúc giá nhà rẻ bán không ai mua, lúc tăng giá thì lại bị gắn mác “ngáo giá”.
CEO Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, nhận xét: “Khi hiện tượng tăng giá diễn ra, sẽ có những người 'té nước theo mưa' để đẩy giá tại một số khu vực, làm lũng đoạn thị trường. Người dân cần cẩn trọng khi có quyết định mua/bán, tránh để xảy ra hiện tượng fomo - hiệu ứng tâm lý khiến người ta luôn thấy sợ bị bỏ lỡ cơ hội khi không chạy theo đám đông".
>>Giá đất TP. HCM có thể tăng 10-50 lần: Doanh nghiệp địa ốc trên sàn ứng phó thế nào?