Hầm xuyên núi có chiều dài lớn thứ 3 cả nước: "Vua hầm" huy động 1.800 người và hơn 700 máy móc "thông" xuyên màn đêm
Hiện đơn vị thi công đang dốc sức rút ngắn thời gian hoàn thành so với tiến độ đã duyệt.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có chiều dài 88 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Đây là một trong 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Dự án có tổng mức đầu tư là 20.469 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Công trình được khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026
Đây cũng là đoạn tuyến có nhiều hầm xuyên núi nhất, bao gồm 3 hầm xuyên núi: hầm 1, hầm 2 thuộc gói XL2 và hầm 3 thuộc gói XL3. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 610m, hầm 2 dài 700m và hầm 3 là hầm cấp đặc biệt với chiều dài 3.200m. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hầm 3 sẽ trở thành hầm có chiều dài lớn thứ 3 cả nước, sau các hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Ban điều hành dự án đã có chủ trương tập trung sớm thông hầm số 1 và số 2 để tận dụng đường hầm điều chuyển nguyên, vật liệu điều phối dọc tuyến được dễ dàng hơn, đặc biệt là rút ngắn đường tiếp cận hầm số 3, sớm trả lại đường công vụ ngoại tuyến. Đồng thời, việc sớm mở cửa hầm 1 và 2 cũng đáp ứng sớm nguồn đá tận dụng từ đào hầm, hạn chế tối đa mua đá thương mại, tiết giảm chi phí. Riêng Gói XL2, nguồn đá tận dụng từ đào hầm gần như tuyệt đối để triển khai các hạng mục khác trên tuyến như cầu cống, bê tông hầm,…
Hiện nhà thầu đang huy động tổng lực các thiết bị chuyên dụng, làm việc hết công suất để đẩy nhanh tiến độ đến mức tối đa có thể.
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay: “Dự án đã triển khai 35 mũi thi công trên hiện trường với gần 1.800 nhân sự và gần 700 máy móc thiết bị. Hiện đã triển khai thi công cả 3 hầm, công tác đào cửa hầm đạt 6/6 cửa hầm. Hiện chúng tôi đang tập trung cho 2 mục tiêu chính là thông hầm số 2 và tăng sản lượng thi công”.
Với kinh nghiệm được đúc rút từ rất nhiều công trình hầm đã thực hiện như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Thung Thi,… đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra các giải pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ các hạng mục hầm trên tuyến.
Theo đó, tăng số mũi thi công để mở thêm không gian trong 1 ống hầm có thể giúp đẩy nhanh tiến độ đào hầm. Giải pháp này phần lớn phụ thuộc vào năng lực điều phối máy móc thiết bị của các Trưởng Ban chỉ huy hầm và điều kiện địa chất thực tế.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm: “Để đảm bảo tiến độ của dự án, thông hầm thành công, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công. Hiện chúng tôi tổ chức thi công hầm 2 ca liên tục, làm việc 24/24. Tập đoàn Đèo Cả đã làm chủ công nghệ thi công hầm theo phương pháp NATM, đồng thời cũng cải tiến phương pháp thi công để rút ngắn tiến độ thông hầm. Cụ thể tại hầm số 2, theo tiến độ được phê duyệt sẽ thông hầm vào tháng 4.2024, tuy nhiên nhờ công nghệ thi công hầm theo phương pháp mới và sự nỗ lực của ê kíp thi công, nên đến cuối 2023 chúng tôi sẽ thông hầm số 2, rút ngắn thời gian thông hầm 4 tháng”.
Một tỉnh có cung đường sa mạc 40km đẹp nhất Việt Nam, được mệnh danh là “tiểu sa mạc Sahara”