Theo Thanh tra Bộ TT&TT, 2023 là năm điển hình, phát sinh các vụ việc sử dụng trạm BTS giả nhiều nhất trong những năm gần đây.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Thanh tra Bộ TT&TT, Chánh Thanh tra Nguyễn Thành Chung cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ TT&TT đã phát hiện, đấu tranh và chuyển hồ sơ sang cơ quan đề nghị xử lý 19 vụ việc sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác có nội dung vi phạm pháp luật, lừa đảo.
Theo Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, năm 2023 là năm điển hình, phát sinh các vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả nhiều nhất trong những năm gần đây.
Trước thực tế này, Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan như Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) của Bộ Công an, các Sở TT&TT TP.HCM, Sở TT&TT Hà Nội và Sở TT&TT các tỉnh để tiến hành ngăn chặn kịp thời, chuyển hồ sơ sang công an xử lý đối với 19 vụ việc.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, Thanh tra Bộ TT&TT lại tiếp tục phát hiện một số vụ việc mới liên quan đến các trạm BTS giả và đang tiến hành đấu tranh, xử lý.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Thành Chung cũng cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thanh tra Bộ trong năm 2024 là tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký thuê bao di động, mua bán SIM kích hoạt sẵn và hoạt động của các trạm BTS giả.
Trước đó, kể từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước liên tục xuất hiện tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả, mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo người dùng di động.
Mới đây nhất, còn có tình trạng kẻ lừa đảo sử dụng các trạm BTS giả để gửi tin nhắn mạo danh brandname công ty điện lực, đề nghị người dân thanh toán tiền điện.
Lý giải về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo, ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) từng cho hay, trong các vụ việc kiểu này, kẻ xấu đã sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện. Sóng của các thiết bị này đè lên sóng của các nhà mạng.
Trong khoảng cách 100m, các thuê bao di động sẽ bị kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G). Lỗ hổng này tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Các thiết bị BTS giả mạo thường nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch. Những thiết bị này có kích thước rất nhỏ gọn. Khi thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng thường sử dụng những trạm BTS giả trên những phương tiện di động như ô tô, xe máy. Đây là những đặc điểm gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hải quan,... nhằm kiểm soát, không cho phép thiết bị BTS giả được bán trên các sàn thương mại điện tử và đưa vào Việt Nam.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT đã phối hợp với các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm triển khai các biện pháp kỹ thuật công nghệ để xác thực thông tin và định danh khách hàng khi thực hiện các giao dịch. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các Sở TT&TT địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh các trạm BTS.
Để xử lý các vụ việc tương tự, Bộ TT&TT đã có kinh nghiệm phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an. Theo đó, khi có trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ nhận biết và khoanh vùng. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sau đó sẽ sử dụng thiết bị định vị để xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả. Tiếp đến, Bộ TT&TT cùng Bộ Công an sẽ phối hợp và bắt giữ tại chỗ.
Thu hồi tiếp 5 tên định danh được dùng phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác
Cuộc chiến SIM rác: Hơn 5 triệu thuê bao thuộc nhóm người dùng sở hữu 4-9 SIM