HOSE vừa công bố dữ liệu giao dịch trong quý II/2022. Với sự lao dốc không phanh của thị trường, HOSE đã "bay màu" hơn 1,15 triệu tỷ đồng chỉ trong 1 quý.
Hàng trăm cổ phiếu thủng mốc 10.000 đồng
Trong quý II/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...
Hòa cùng nhịp điều chỉnh chung của thị trường, hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, nhiều mã cổ phiếu đã mất trên 60% và lùi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng thị giá.
Theo dữ liệu của FiinPro, trên cả 3 sàn giao dịch đến hết phiên 28/6 có tổng cộng 528 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá trong đó 56 mã có khối lượng khớp lệnh bình quân 3 tháng đạt trên 500.000 đơn vị/phiên.
Rất nhiều các "hệ sinh thái" từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 như Louis Holdings, Trí Việt, FLC... đều dần quay trở về mức giá cũ khi liên tục lao dốc.
Cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt đã mất hơn 68,7% giá trị kể từ phiên 6/1 từ mức 23.667 đồng/cp xuống chỉ còn 7.400 đồng/cp.
Tương tự, BII của Louis Land cũng mất hơn 66,4% giá trị và về chỉ còn 4.500 đồng/cp. Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với TGG của Louis Capital.
Hay như họ FLC, cả 6 mã có giao dịch lớn đều đã về dưới mệnh giá, thậm chí dưới 3.000 đồng.
Cổ phiếu ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo hiện cũng chỉ giao dịch ở mức 7.720 đồng/cp - giảm 58,4% so với thời điểm 6/1. Cổ phiếu ITA gảm sàn 2 phiên liên tiếp với dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về việc doanh nghiệp này bị tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản từ 2018 nhưng không công bố thông tin.
Trong danh sách các cổ phiếu nằm dưới mệnh giá, HAG của HAGL là mã có thanh khoản cũng như vốn hóa lớn nhất. Mức giảm của HAG cũng thấp hơn so với rất nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá. Từ phiên 6/1 đến nay, HAG giảm hơn 39% từ 14.200 đồng/cp xuống 8.640 đồng/cp.
Có thể thấy, việc hàng trăm cổ phiếu cùng nhau lao dốc đã khiến nhà đầu tư thiệt hại lớn.
Sàn HOSE "bốc hơi" hơn 1,15 triệu tỷ đồng trong quý II/2022
Kết thúc phiên giao dịch 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.197,60 điểm, giảm 7,36% so với tháng 5, tương ứng giảm 20,07% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 1.202,51 điểm, giảm 8,36% so với tháng 5, tương ứng giảm 22,98% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.248,92 điểm, giảm 6,28% so với tháng trước, tương ứng giảm 18,67% so với cuối năm 2021.
Hầu hết các ngành theo xu hướng giảm chung của thị trường gồm ngành nguyên vật liệu (VNMAT) giảm 16,76%; ngành năng lượng (VNENE) giảm 15,38% và ngành công nghiệp (VNIND) giảm 13,39% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, các chỉ số ngành ghi nhận mức tăng nhẹ gồm: dịch vụ tiện ích (VNUTI) tăng 1,37%; tiêu dùng (VNCOND) tăng 0,39%; tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) tăng 0,03%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547,70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,80% về giá trị và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng trước đó.
Tính trong quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 589,15 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021.
Trái ngược với sự ảm đạm của thị trường, giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là "điểm sáng" khi duy trì đà mua ròng tích cực hơn 1.912 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6 trên sàn HOSE đạt trên 58.249 tỷ đồng, chiếm 9,11% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Tính đến hết ngày 30/6, trên HOSE có 546 mã chứng khoán niêm yết; trong đó gồm 403 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 9 mã chứng chỉ quỹ ETF, 128 mã chứng quyền có bảo đảm và 4 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 130 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết trên HOSE đạt hơn 4,75 triệu tỷ đồng, giảm 7,18% so với tháng trước.
Trước đó, tại thời điểm 31/3/2022, giá trị vốn hóa niêm yết trên HOSE ghi nhận đạt hơn 5,9 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 70,3% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành). Như vậy, vốn hoá sàn HOSE đã mất hơn 1,15 triệu tỷ đồng chỉ sau 1 quý.
Tuyên phạt cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt (TVB) trong vụ bê bối thao túng cổ phiếu
Quản lý tài sản Trí Việt 'gom' thành công 3 triệu cổ phiếu TVB