Hé lộ tiêu chí lựa chọn công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Việc lựa chọn công nghệ sẽ phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao và mức độ hỗ trợ. Sau khi xem xét các yếu tố này, chúng ta mới đưa ra quyết định".
Liên quan đến hình thức và nguồn vốn đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công.
Ông Huy giải thích rằng, đầu tư công có nhiều hình thức bao gồm vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay...
"Chúng ta xây dựng đường sắt tốc độ cao với tinh thần tự lực tự cường. Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi việc vay vốn từ bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ kèm theo những ràng buộc. Chúng ta hướng đến đầu tư công dựa trên phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài, với điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc. Điều kiện lớn nhất là việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam", ông Huy nhấn mạnh.
Về việc dư luận băn khoăn Việt Nam sẽ chọn công nghệ của nước nào cho dự án đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Huy cho biết: "Việc lựa chọn công nghệ sẽ phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao và mức độ hỗ trợ. Sau khi xem xét các yếu tố này, chúng ta mới đưa ra quyết định".
Đề cập đến mối lo ngại về việc phát triển đường sắt tốc độ cao ưu tiên vận tải hành khách có thể ảnh hưởng đến thị phần của hàng không, Thứ trưởng Huy nêu rõ: "Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế. Hiện tại, ngành hàng không đang nỗ lực duy trì các chặng bay cự ly dưới 500km, vốn thường không có lợi nhuận. Các hãng hàng không phải lấy lợi nhuận từ chặng bay dài để bù lỗ cho chặng ngắn".
Ông cũng chỉ ra sự mất cân đối khi trên chặng Hà Nội - TP. HCM vẫn có những chuyến xe khách chạy xuyên suốt bằng đường bộ, khiến hàng không và đường bộ phải đảm nhận các cự ly không có lợi thế.
Trong quá trình lập quy hoạch ngành Giao thông vận tải, tiềm năng và lợi thế của từng phương thức vận tải đã được xem xét kỹ lưỡng để xây dựng kịch bản phát triển.
Theo đó, với vận tải hành khách: cự ly ngắn (dưới 150km) ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình (150-800km) đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế; còn cự ly dài (trên 800km) thị phần chủ yếu thuộc về hàng không và một phần của đường sắt tốc độ cao.
"Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức, theo hướng bền vững. Đồng thời, nó sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và các hệ lụy khác như giảm phát thải môi trường", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh: "Đường sắt tốc độ cao không phải triệt tiêu hàng không, mà ngược lại, hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ lẫn nhau. Khi có đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, hàng không sẽ 'nhường lại' các chặng ngắn cho đường sắt phát huy ưu thế".
Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 1.541km được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD sẽ được xây dựng với đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa.
>> Bà Trương Mỹ Lan nói gì về các dự án bất động sản đang bị phong tỏa?