Hồ nước ngọt ‘không đáy’ với dung tích 3,6 triệu m3, gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia
Đây là hồ nước ngọt nổi tiếng, sở hữu “một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm”.
Nằm ở phía đông bắc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nay thuộc địa phận phường Hải Thành có một hồ nước ngọt xanh trong giữa bốn bề cát trắng có tên gọi là Bàu Tró. Chỉ cách bờ biển chừng khoảng vài trăm mét, được ngăn cách bởi những cồn cát. Trước đây, Bàu Tró là phá của biển Nhật Lệ, sau do nạn cát bay, cát chảy ngăn cửa phá với biển nên tạo thành một hồ chứa nước ngọt lớn có dung tích 3,6 triệu m3.
Điều kỳ lạ mà ít du khách biết, đó là dù hồ và biển cách nhau gần như vậy nhưng nước hồ lại ngọt không khác gì nước suối đá trên rừng. Bởi vậy mà những năm 1980, người dân Đồng Hới thường ra hồ lấy nước về giặt quần áo cho trắng. Do nước hồ chủ yếu rịn ra từ các đồi cát trắng xung quanh nên rất trong và ngọt sắc, có thể tẩy sạch được áo quần bị ố vàng. Trước đây, nước từ hồ Bàu Tró là nguồn nước ngọt duy nhất dồi dào quanh năm, cung cấp cho sinh hoạt của cư dân Đồng Hới từ bao đời.
Bao bọc xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao tươi tốt, xanh ngăn ngắt trên một vùng cát trắng cứ chói lên dưới nắng chang chang. Vì hồ nước ngọt, và hơn 20 năm qua lại được giữ gìn về môi trường sinh thái nên có rất nhiều đàn chim bay về trú ngụ, hàng ngày kiếm ăn trên hồ và những cánh đồng lân cận.
Theo truyền thuyết, hồ Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy. Người ta đã thử bằng cách chèo thuyền ra giữa hồ, buộc đá vào dây thả xuống hồ để đo chiều sâu, thế nhưng thả hoài dây cũng chẳng chùn. Đến khi hết dây này, nối thêm dây khác cũng không thấy đá chạm đáy, nên đến bây giờ vẫn chưa rõ chiều sâu hồ Bàu Tró là bao nhiêu.
Bàu Tró, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên và sự quý báu về nguồn nước ngọt dân sinh, còn chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử, văn hoá quý báu, được gọi là vùng di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. Tìm lại lịch sử, vào mùa hè năm 1923, có hai thông tin viên người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ là Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ tại Bàu Tró.
Thông tin này được loan ra, và vào cuối mùa hè năm đó, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Étienne Patte đã tổ chức khai quật và công bố những hiện vật của thời tiền sử đồ đá mới. Những hiện vật này gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hai hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt, mảnh gốm vỡ...
Tháng 3/1980, Trường đại học Tổng hợp Huế, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Đông Nam Á tiến hành khai quật lại di chỉ Bàu Tró. Vùng khai quật ở khoảng cách cách mép nước hồ lúc đó 40m, cao hơn mặt nước 2,3m, cách hố khai quật của Étienne Patte hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được lần này là 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh gốm vỡ của vật dụng sinh hoạt như nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa... có trang trí hoa văn dấu thừng, hoa văn khắc vạch…
Từ đó, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển các tỉnh Bắc miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là nền văn hóa Bàu Tró. Bởi vậy mà nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử mang tầm quốc gia.
Ngày nay, ngay tại hồ Bàu Tró, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Nhà máy cấp nước Đồng Hới với công suất 9.000m3 nước/ngày, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân toàn bộ TP. Đồng Hới và một số xã, thị trấn thuộc các huyện lân cận.
Điểm độc đáo làm nên vẻ huyền bí của hồ Bàu Tró đó là không có bất cứ nguồn nước cũng như hệ thống mương máng nào khác được bắt dẫn vào hồ nhưng từ khi phát hiện ra đến nay thì nước trong hồ chưa bao giờ cạn dẫu Nhà máy cấp nước có nâng công suất hay trời có đại hạn đến mấy chăng nữa. Đó cũng là lý do mà người dân nơi đây gọi Bàu Tró là hồ không có đáy.