Doanh nghiệp

Hồ sơ đình đám của ông Nguyễn Khánh Toàn, người vừa bị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán

Hồ Nga 24/06/2024 09:19

Không chỉ ghi dấu ấn tại KDM, ông Nguyễn Khánh Toàn còn góp tên tại rất nhiều doanh nghiệp đình đám khác.

Theo tin từ báo An ninh Thủ đô, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên, TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Khánh Toàn vì hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Theo thông tin ban đầu, ông Nguyễn Khánh Toàn cùng đội nhóm của mình đã tìm mua, chuyển nhượng lại các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán với kết quả kinh doanh không hiệu quả, thị giá thấp; sau đó làm giả báo cáo tài chính cùng hoạt động của doanh nghiệp để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Nguyễn Khánh Toàn đã chỉ đạo các nhân viên CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán TVB) sử dụng 20 tài khoản chứng khoán khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu KDM của CTCP Tập đoàn GCL. Mục đích của Toàn là tạo cung - cầu giả bằng cách liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu nhằm chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường.

54
Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn vừa bị bắt tạm giam vì hành vi Thao túng thị trường chứng khoán

>> Lập 20 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu, một cá nhân bị khởi tố, công ty chứng khoán liên quan tiếp tục vướng bê bối

Liên tục thay tên đổi họ, cổ phiếu KDM từng "dính" thao túng trong quá khứ

CTCP Tập đoàn GCL ngày nay thành lập tháng 6/2009 với tên gọi ban đầu CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành, địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nam. Công ty có vốn điều lệ 68 tỷ đồng, do ông Trần Quang Huy làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, GCL là doanh nghiệp liên tục thay tên đổi họ.

Gần 20 năm sau ngày thành lập, tháng 7/2017, công ty lần đầu đổi tên. Tên mới là CTCP Đầu tư HP Việt Nam, ông Lại Xuân Hưởng, sinh năm 1982, là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Địa chỉ trụ sở chính lúc này chuyển về Thanh Trì, Hà Nội.

Tháng 8/2020, trước thời điểm cơ quan công an xác định các giao dịch thao túng thị trường chứng khoán, HP Việt Nam lại đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Lê Gia.

Tháng 3/2021, công ty Lê Gia lại tiếp tục đổi tên thành CTCP Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới. Dùng tên mới hơn 1 năm, KDM lại đổi tên, cái tên CTCP Tập đoàn GCL bắt đầu từ thời điểm này.

6,8 triệu cổ phiếu KDM được giao dịch trên sàn chứng khoán từ năm 2016 và cổ phiếu này cũng từng “dính” loạt lùm xùm thao túng chứng khoán trước đó. Tháng 9/2018, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Minh Tú, nhà đầu tư có địa chỉ tại ngõ 101/2 Long Biên, Hà Nội.

Nguyên nhân do ông Tú đã dùng 32 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu KDM (tên lúc đó là Thương mại Long Thành). Theo thông tin công bố, ông Tú đã thao túng giá cổ phiếu KDM ngay từ ngày 29/3/2016 – ngày đầu tiên cổ phiếu KDM giao dịch trên sàn.

Lần thao túng giá cổ phiếu này với ông Nguyễn Khánh Toàn, theo cơ quan cảnh sát điều tra, bắt đầu từ tháng 3-12/2021, lúc này công ty vừa chuyển tên từ Đầu tư Lê Gia sang tên CTCP Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới.

Giai đoạn năm 2021 cũng là thời điểm cổ phiếu KDM liên tục có những giao dịch mua bán cổ phiếu. Đầu tiên là giao dịch đăng ký mua 500.000 cổ phiếu của Tổng Giám đốc Nguyễn Công Hoan; tiếp đó là giao dịch bán ra toàn bộ gần 1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,49%), rút chân khỏi ghế cổ đông lớn của ông Nguyễn Văn Hùng vào ngày 15/1/2021.

Câu chuyện tại KDM còn xoay quanh những động thái của cổ đông Mai Lệ Huyền, vợ ông Nguyễn Khánh Toàn. Cùng ngày 15/1, bà Lệ Huyền mua vào 1,98 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 2,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 32,82%), trở thành cổ đông lớn nhất.

Cùng với giao dịch của bà Huyền, 2 cổ đông Phan Thanh Hùng và Phan Thanh Dũng (2 anh em ruột) đồng thời bán ra 350.000 cổ phiếu (tỷ lệ 4,93%). Ông Dũng liên tục mua/bán cổ phiếu KDM sau đó. Những cá nhân có nhiều giao dịch cổ phiếu KDM trong thời gian điều tra còn có bà Đỗ Yến Vy, bà Lê Thị Bích Lan và ông Nguyễn Đình Hùng.

Quay trở lại với bà Lệ Huyền, vợ ông Phan Khánh Toàn, tháng 7/2021, bà Huyền bán bớt 1 triệu cổ phiếu KDM, giảm tỷ lệ sở hữu từ 34,9% xuống 20,82% và liên tục giảm tỷ lệ sở hữu sau đó xen giữa những lệnh đặt mua. Đến tháng 12/2021, bà Huyền chỉ còn lại 229.100 cổ phiếu (tỷ lệ 3,23%) và không còn là cổ đông lớn.

54
Diễn biến giá cổ phiếu KDM với những "con sóng"

>> Cổ phiếu được 'cởi trói', một doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn gấp

Dấu ấn tại đầu tư HVA với "trend" blockchain

Nhắc đến ông Nguyễn Khánh Toàn, nhà đầu tư vẫn còn nhớ đến cổ phiếu HVA một thời đình đám. Đầu tư HVA ngày nay tiền thân là CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt. Tháng 8/2017, ông Nguyễn Khánh Toàn lên tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT và đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA. Tháng 6/2020, ông Toàn đã từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT tại HVA.

HVA vào những năm 2017, 2018 khi ông Toàn mới nhậm chức đã tạo nên dấu ấn trên thị trường khi không giấu tham vọng dấn chân vào thị trường kỹ thuật số. HVA khi đó lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi cổ phần của Truspay nhằm kết hợp triển khai đồng tiền kỹ thuật số VNDC. Thậm chí, HĐQT còn thông qua chủ trương thành lập công ty con, chi nhánh hoặc pháp nhân khác ở nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án HVA đang triển khai.

Những dự án lúc đó HVA đang nhắm tới là xây dựng nền tảng public blockchain chuyên sâu cho lĩnh vực tài chính, cho phép người dùng phát triển các hợp đồng thông minh và vận hành các ứng dụng tài chính chạy trên nền tảng blockchain. Các ứng dụng bao gồm số hóa tài sản, giao dịch tài sản số, kêt nối nguồn vốn toàn cầu. HVA còn cho biết sẽ cung cấp nền tảng công nghệ blockchain cho dự án cho vay ngang hàng và thị trường tài sản số.

Tuy vậy, các dự định dang dở khi tháng 8/2018, cuối cùng HVA cũng quyết định chuyển toàn bộ các dự án liên quan đến blockchain, thị trường tài sản số sang đơn vị có chuyên môn về CTCT để thực hiện. Bản thân HVA chỉ tập trung và định hướng ngân hàng đầu tư theo đúng chiến lược đã đề ra.

Những dự án bắt trend xu hướng blockchain lúc đó của HVA đã khiến cổ phiếu này "dậy sóng", thực sự tạo nên những "cơn sóng" không hề nhỏ giai đoạn đó. Cổ phiếu có những lúc nhân 3, nhân 4 từ vùng giá quanh mức 2.000 đồng.

Tháng 8/2021, vợ ông Nguyễn Khánh Toàn đăng ký bán ra toàn bộ 150.000 cổ phiếu HVA đang sở hữu. Phương thức bán cũng khiến nhiều người chú ý khi bà Lệ Huyền đăng ký bán thì ông Khánh Toàn đăng ký mua lượng lớn (1 triệu cổ phiếu); song kết quả cho thấy, động thái này giúp bà Hằng bán hết số cổ phiếu đang giữ, còn ông Toàn không mua vào cổ phiếu nào.

54

Dấu ấn tại Đầu tư tài sản Koji: Đến và rời đi trong chớp mắt

Ông Nguyễn Khánh Toàn được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Koji từ tháng 8/2023 và chỉ chưa đến 1 năm sau đó, tháng 5/2024 ông đã có đơn xin từ nhiệm.

Ở lại Koji không lâu, nhưng ông Nguyễn Khánh Toàn đã để lại rất nhiều dấu ấn với cổ phiếu này. Tháng 9/2023, sau khi nhậm chức không lâu, ông Nguyễn Khánh Toàn đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu KPF. Tuy vậy, hết thời gian, ông Toàn chỉ mua vào vỏn vẹn 60.000 cổ phiếu. Lần đăng ký mua tiếp theo cũng 3 triệu đơn vị, nhưng chỉ mua được 200.000 cổ phiếu. Lý do đưa ra đều là giá chưa khớp mua với giá dự kiến giao dịch.

Không chỉ tạo dấu ấn với phong cách đăng ký mua cổ phiếu, mà đáng chú ý, ngay trước thềm ĐHCĐ bất thường của Koji 1 ngày, ngày 7/8/2023, Chủ tịch HĐQT lúc đó là ông Hoàng Văn Hậu đã ký phê duyệt chủ trương nghiên cứu lý kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản Lapoma để thực hiện triển khai dự án khu đô thị phía Tây thị trấn Bắc Sơn. Dự án quy mô 14,4ha, tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt là ông Nguyễn Khánh Toàn chính là Tổng Giám đốc của Lapoma (vừa tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 66 tỷ đồng vào tháng 8/2022). Chỉ 1 ngày sau đó, tại ĐHĐCĐ bất thường, ông Toàn trúng cử vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Hoàng Văn Hậu.

54

>> 'Trùm đội lái cổ phiếu' từ nhiệm vị trí Chủ tịch của 1 công ty bất động sản nghìn tỷ chỉ có 4 nhân sự do bận 'ở tù'

Vị doanh nhân ghi dấu ấn tại nhiều doanh nghiệp, dấu ấn MCC Group

Không chỉ hiện diện tại các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Khánh Toàn còn là người đại diện của loạt các doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Akie Việt Nam, CTCP Đầu tư Phát triển công nghệ tự động DG, CTCP Quản lý tài sản và khai thác nợ Toàn Cầu; CTCP Thương mại điện tử MCC, Công ty TNHH Học viện đào tạo và tư vấn kinh doanh AMC, CTCP Nông dược xanh Tinh Hoa. Phần lớn những cái tên này là thành viên của MCC Group.

Nói về các giao dịch tài chính, thông tin ghi nhận, tháng 9/2020, và tháng 12/2021, vợ chồng ông Nguyễn Khánh Toàn có giao dịch đảm bảo tại Vietcombank, mà tài sản thế chấp là những chiếc xe ô tô.

Tuy vậy, giao dịch đảm bảo đáng chú ý nhất lại là vào tháng 5/2019, ở một tổ chức có địa chỉ tại quần đảo Virgin. Cụ thể, bên nhận thế chấp là PARK SKY LIMITED, địa chỉ tại Commence Chambers, P.O. Box 2208, Road Town, Tortola, Quần đảo Virgin thuộc Anh. Tài sản đảm bảo là 351.973 cổ phần thuộc sở hữu của ông Nguyễn Khánh Toàn, tương ứng với 5,374% tổng số cổ phần phát hành của CTCP Đầu tư ICP.

>> Sau 6 tháng "lĩnh án", một cổ phiếu sàn HNX "tri ân" cổ đông bằng 6 phiên kịch trần

Lập 20 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu, một cá nhân bị khởi tố, công ty chứng khoán liên quan tiếp tục vướng bê bối

Cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt tiếp tục bị truy tố vì thao túng chứng khoán

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ho-so-dinh-dam-cua-ong-nguyen-khanh-toan-nguoi-vua-bi-truy-to-ve-toi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-239728.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hồ sơ đình đám của ông Nguyễn Khánh Toàn, người vừa bị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán
    POWERED BY ONECMS & INTECH