Bất động sản

Hòa Phát (HPG) sẽ sản xuất thép cho đường ray cao tốc tại đâu?

Việt Hoàng 26/11/2024 05:30

Theo Tập đoàn Hòa Phát, sản phẩm thép đường ray cao tốc sẽ có kích thước từ 50-100m và được vận chuyển trực tiếp đến công trường bằng đường sắt, thay vì đường bộ.

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), ông Trần Đình Long, chia sẻ rằng đội ngũ kỹ sư của công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao nhất như dây thép dập nguội, sợi thép hàn hồ quang, thép làm cáp thang máy, đặc biệt là thép cuộn làm tanh bố lốp ô tô (tirecord).

"Theo bảng phân cấp chất lượng, thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ô tô… khó 10 thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8", ông Long chia sẻ.

Từ năm 2022, Nhà máy Dung Quất đã thành công trong việc luyện thép tirecord tại dây chuyền Cán 3 của Dung Quất 1, cung cấp sản phẩm cho nhiều tập đoàn lớn như Hyosung (Hàn Quốc) và Bekeart (Bỉ).

>> TP. HCM: Giá chung cư hạng sang ‘chạm nóc’, có nơi gần 600 triệu đồng/m2

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã đạt chứng nhận cung cấp thép nguyên liệu cho sản xuất cáp thang máy và cáp cầu trục, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Tokyo Rope (Nhật Bản).

Cũng theo Báo Điện tử Chính phủ, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép duy nhất tại Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép cao cấp.

Hòa Phát (HPG) sẽ sản xuất thép cho đường ray cao tốc tại đâu?
Ảnh minh họa

Tập đoàn khẳng định tiếp tục đầu tư thiết bị và chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm thép ray đạt chất lượng ngang tầm với châu Âu.

Đồng thời, Hòa Phát cũng nghiên cứu phương án vận chuyển ray thép dài tới 120m nhằm giảm thiểu số lượng mối hàn trên đường ray cao tốc, giúp hệ thống hoạt động ổn định ở tốc độ cao.

Đặc biệt, các đối tác cung cấp thiết bị và công nghệ cho Hòa Phát như Danieli và SMS đều là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thép đường ray tại châu Âu và châu Á.

Tập đoàn cũng đã bắt đầu đàm phán, hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu trong việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật sản xuất thép đường ray cao tốc, đồng thời bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu về các sản phẩm thép chất lượng cao.

Song song đó, Hòa Phát đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tại đây, tập đoàn dự kiến xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - nơi tập trung vào các sản phẩm thép chất lượng cao như thép đường ray, thép tấm, thép kết cấu, thép hình và thép thanh tròn trơn (SBQ).

Ngay khi hoàn tất mặt bằng, Hòa Phát khẳng định sẵn sàng triển khai dự án sản xuất thép ray phục vụ đường sắt cao tốc, đảm bảo về công nghệ, nhân lực và địa điểm sản xuất. Sản phẩm thép đường ray cao tốc sẽ có kích thước từ 50-100m và được vận chuyển trực tiếp đến công trường bằng đường sắt, thay vì đường bộ.

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp vào tháng 9/2024, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã nghiên cứu và chuẩn bị phát triển thép đường ray cao tốc trong suốt 2-3 năm qua.

Ông khẳng định tập đoàn đủ năng lực cung cấp 6 triệu tấn thép các loại, đáp ứng nhu cầu dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Sản phẩm cam kết đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng và giá cả cạnh tranh hơn so với thép nhập khẩu.

Để chuẩn bị cho "đại dự án" 67 tỷ USD của Việt Nam, đích thân ông Trần Đình Long đã đến thăm các nhà máy thép ở nước ngoài, nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm mới với trọng tâm là thép đường ray cao tốc.

>> Doanh nghiệp trực thuộc Capella Land sắp làm KCN gần 1.700 tỷ đồng tại Nam Định

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể khiến bất động sản ‘sốt nóng’

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẽ sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ từ tàu điện ngầm, đường sắt nhẹ đến cảng cạn, sân bay

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-se-san-xuat-thep-cho-duong-ray-cao-toc-tai-dau-262112.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG) sẽ sản xuất thép cho đường ray cao tốc tại đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH