Đại biểu lo lắng về thời gian di chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT nói gì?
Bộ Giao thông vận tải cho biết, phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu vận tải tại từng thời điểm và đối tượng phục vụ…
Mới đây, tại đợt 2 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Cụ thể, một số đại biểu bày tỏ lo ngại rằng, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, nếu tính thời gian dừng tàu tại mỗi ga là 5 phút và thêm 5 phút cho các ga không dừng thì thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM sẽ vượt quá 7h, không thể đạt 5,5h như báo cáo đã nêu.
Đáp lại, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo tính toán từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án khai thác dự kiến chủ yếu tập trung vận chuyển hành khách với việc tổ chức các chuyến tàu dừng tại 5 ga chính gồm Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và Thủ Thiêm giúp thời gian di chuyển từ Bắc vào Nam đạt khoảng 5,3h.
Nếu tàu dừng đan xen tại toàn bộ 23 ga, thời gian di chuyển sẽ kéo dài lên khoảng 6,6h nhưng vẫn bao gồm thời gian dừng trung bình 2 phút tại mỗi ga, tương tự cách vận hành của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại biểu lo lắng về thời gian di chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Bộ cũng nhấn mạnh rằng phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu vận tải tại từng thời điểm và đối tượng phục vụ, đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng và an ninh.
Đối với ý kiến cho rằng tuyến đường sắt phải đi qua 23 ga với nhiều đoạn có khoảng cách rất gần, dẫn đến khó tối ưu thời gian di chuyển, Bộ Giao thông vận tải đã giải thích nguyên tắc bố trí nhà ga dựa trên cự ly phù hợp để đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Theo đó, cự ly cần thiết để đoàn tàu đạt vận tốc tối đa 320km/h và giảm tốc khi dừng là khoảng 16,5km. Dựa trên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khoảng cách giữa hai ga liền kề được đề xuất là 50-70km, và khi tổ chức chạy tàu dừng đan xen, khoảng cách thực tế giữa hai lần dừng sẽ dao động từ 100-140km. Điều này nhằm tối ưu tốc độ khai thác, giảm thiểu thời gian di chuyển và tăng khả năng thu hút nhu cầu vận tải.
Bộ cũng khẳng định rằng, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, các đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục khảo sát, điều tra và dự báo nhu cầu vận tải làm cơ sở để tính toán, xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương án đầu tư các nhà ga một cách phù hợp, hiệu quả và khả thi nhất.
Đối với ý kiến đề xuất kết hợp với khu vực tư nhân trong quá trình vận hành, Bộ cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất đầu tư phương tiện để đảm bảo khai thác trong giai đoạn đầu, do việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư ngay từ ban đầu là chưa khả thi.
Tuy nhiên, khi nhu cầu vận tải tăng lên, Bộ sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư bổ sung phương tiện, đóng phí thuê hạ tầng và phát triển các dịch vụ, khu thương mại tại nhà ga, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách.
>> Tập đoàn Đèo Cả hiến kế cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD
Sẽ có 3 tuyến đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành
Tập đoàn Đèo Cả hiến kế cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD