Hé lộ vị trí dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua tỉnh Nghệ An
Vị trí nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ nằm trên trục đường rộng 72m của Khu công nghiệp VSIP, kết nối trục Quốc lộ 46 mới với phía Tây trung tâm TP. Vinh.
Theo báo Thanh Tra, ngày 18/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An xác nhận, theo phương án trình Quốc hội, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 85,5km, với điểm đón trả khách được đề xuất đặt tại Ga Vinh.
Cụ thể, Ga Vinh được đề xuất xây dựng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vị trí nhà ga nằm trên trục đường rộng 72m của Khu công nghiệp VSIP, kết nối trục Quốc lộ 46 mới với phía Tây trung tâm thành phố Vinh, đây sẽ là ga 4 đường, nơi tất cả các đoàn tàu đều dừng.
Depot Vinh được bố trí tại xã Hưng Tân và Hưng Thắng (nay là xã Hưng Nghĩa), huyện Hưng Nguyên, nhằm phục vụ khai thác khu đoạn Ngọc Hồi - Vinh. Depot này đảm nhiệm vai trò lưu trữ và dồn dịch các đoàn tàu, đồng thời là nơi thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng đầu máy, toa xe, và kiểm tra phương tiện thi công đường sắt.
> > Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập lại một huyện sau 20 năm chia tách
Ga Vinh thuộc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua Nghệ An được đề xuất xây dựng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Ảnh minh họa |
Trên tổng chiều dài 85,5km qua tỉnh Nghệ An, dự kiến sẽ xây dựng 2 trạm dồn dịch để phục vụ các phương tiện bảo trì (như máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát) và lưu trữ vật tư, vật liệu:
Trạm 1: Đặt tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, phục vụ duy tu và bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía trước Ga Vinh, thuộc khu gian Thanh Hóa - Vinh.
Trạm 2: Kết hợp trong Depot Vinh, nhằm tối ưu hóa quỹ đất và thuận tiện cho các tác nghiệp. Trạm này phục vụ duy tu và bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía sau Ga Vinh, thuộc khu gian Vinh - Hà Tĩnh.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An được quy hoạch như sau:
Đoạn từ Hoàng Mai đến núi Thần Vũ: Sau khi vượt núi Trường Lâm, tuyến tránh Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, đi về phía Tây, nằm giữa hành lang đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc, đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch của địa phương.
Phạm vi huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu: Tuyến đi song song với đường sắt hiện tại, cách khoảng 100m đến 400m về phía Tây.
Đoạn từ núi Thần Vũ đến sông Lam: Tuyến vượt hầm Thần Vũ, tránh đập Ồ Ồ, nằm trong hành lang quy hoạch qua Khu kinh tế Đông Nam. Đường sắt chủ yếu chạy song song về phía Đông của đường bộ cao tốc, sau đó kẹp giữa đường bộ cao tốc và tuyến tránh TP. Vinh.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Trước đó, thông tin trên báo Chính phủ cho biết, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Quốc Thuận (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cũng bày tỏ ủng hộ việc chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dù vậy, vị đại biểu này cũng đề nghị cần tính toán để đảm bảo an toàn cho cả nền kinh tế, tránh quá chú trọng đến dự án này mà ảnh hưởng các mục tiêu phát triển kinh tế.
Ông Thuận đặt ra băn khoăn về tờ trình dự án tuyến đường sắt với 23 ga hành khách, trong đó khoảng cách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa lên tới khoảng 140km - đây là khoảng cách quá xa.
Do đó, ông Thuận đề nghị Chính phủ phủ nghiên cứu mở thêm một ga giữa hai tỉnh, tại Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Với vị trí tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ga này có thể phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD. Dự án này có tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách. Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, theo Tạp chí VnEconomy. Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án. |
> > Tập đoàn Đèo Cả hiến kế cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD
Đại biểu lo lắng về thời gian di chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT nói gì?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề xuất đặt nhà ga Thanh Hóa - Nghệ An ở những điểm nào?