Doanh nghiệp A-Z

Hoa Sen (HSG) mở đầu đợt tăng giá ngay khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời thép HRC nhập khẩu

Ánh Nguyệt 22/02/2025 - 14:38

Hoa Sen (HSG) đã có 2 đợt điều chỉnh giá bán các mặt hàng tôn thép trong chưa đầy một tuần.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa thông báo điều chỉnh giá bán các mặt hàng tôn thép. Theo đó, giá tôn mạ và ống thép kẽm mạ tăng 100 đồng/kg, trong khi thép dày mạ tăng 200 đồng/kg. Mức giá mới được áp dụng từ ngày 26/2/2025 tại khu vực miền Trung và miền Nam. Trước đó, ngày 20/2/2025, HSG cũng đã điều chỉnh tăng 100 đồng/kg đối với 3 mặt hàng này trên phạm vi toàn quốc.

Động thái tăng giá diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế áp dụng dao động từ 19,38% đến 27,83% nhằm hạn chế tình trạng thép HRC giá rẻ tràn vào Việt Nam, gây sức ép lên ngành sản xuất trong nước.

Hoa Sen (HSG) mở đầu đợt tăng giá ngay khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời thép HRC nhập khẩu
Hoa Sen tăng giá bán một số sản phẩm

Việc áp thuế tạm thời thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho 2 ông lớn độc quyền sản xuất thép HRC là Hòa Phát (HPG) và Formosa mở rộng thị phần và điều chỉnh giá bán theo diễn biến cung cầu.

Trong khi đó, HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất tôn mạ, thép ống, thép kết cấu và nhiều sản phẩm thép khác phục vụ các lĩnh vực xây dựng, cơ khí và công nghiệp.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng có thể làm gia tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, buộc họ phải điều chỉnh tăng giá bán nhằm bảo đảm biên lợi nhuận.

Trước đó, hồi tháng 7/2024, Hoa Sen đã có những đánh giá về sự việc Hòa Phát và Formosa nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam. Theo HSG, việc áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt

Cụ thể, Hoa Sen cho rằng Hòa Phát và Formosa đang được hưởng lợi lớn từ khi bán HRC cho các công ty tôn mạ, ống thép nội địa. Giá bán cao hơn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 - 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn. Tuy nhiên, các công ty vẫn phải chấp nhận mua để xuất khẩu được sang Mỹ và Mexico, bởi 2 thị trường này có một số yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để sản xuất thành phẩm.

Hoa Sen (HSG) mở đầu đợt tăng giá ngay khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời thép HRC nhập khẩu
Hoa Sen phân tích nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nằm ở nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu

Hoa Sen phân tích nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nằm ở nguồn cung sản phẩm này ở nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11,5 triệu tấn và 11,6 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Thực tế, nguồn cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 4,9 triệu tấn và 3,4 triệu tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này còn đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu khiến cho nguồn cung HRC nội địa vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn.

Biện pháp áp thuế CBPG được thực hiện, giá HRC nhập từ Trung Quốc sẽ tăng lên khiến sản lượng nhập khẩu sụt giảm. Trong khi HRC nội địa đang không đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ gây ra tình trạng cung ngày càng thiếu hụt. Từ đó, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sẽ tăng thêm bằng mức thuế CBPG so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế CBPG.

Phần giá tăng thêm sẽ là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Đây chính khoản tiền mà người mua tại Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, các nhà thầu xây dựng, các chủ đầu tư công trình, người tiêu dùng cuối cùng…) phải trả.

>> Hoa Sen (HSG): Áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt

Bộ Công Thương 'giáng đòn' vào thép HRC Trung Quốc: Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hưởng lợi ra sao?

Hòa Phát (HPG): Hơn 2 triệu tấn thép HRC ra lò từ siêu dự án Dung Quất 2 sẽ tiêu thụ ở đâu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-sen-hsg-mo-dau-dot-tang-gia-ngay-khi-bo-cong-thuong-ap-thue-cbpg-tam-thoi-thep-hrc-nhap-khau-277966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hoa Sen (HSG) mở đầu đợt tăng giá ngay khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời thép HRC nhập khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH