Hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội

01-07-2023 05:42|Thùy Chi

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm hiện tại là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nước sạch của Thủ đô. Phương án điều chỉnh giá nước tuân theo nguyên tắc, khung giá do Bộ Tài chính quy định.

Giải pháp để hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Thời gian qua TP. Hà Nội luôn chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn nước cấp cho Thành phố ổn định, an toàn chất lượng, an ninh cấp nước, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.Ảnh: Thùy Chi

Khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch

Việc Hà Nội dự kiến tăng giá nước sinh hoạt từ 1/7 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, những tác động đó sẽ là rất nhỏ so với việc tạo động lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội.

Những ngày nắng nóng gần đây, việc một số khu vực bị mất nước luân phiên khiến cho nhiều người dân quan tâm đến việc khu vực nào sẽ bị mất nước, mất nước vào thời gian nào, khi nào sẽ có nước trở lại, nhưng chỉ có ít người dân mới thực sự quan tâm lý do chính gây ra mất nước thời gian gần đây.

Đại diện một đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Hà Nội chia sẻ, việc cắt nước luân phiên cũng là tình huống "bất đắc dĩ" bởi do mạng lưới cấp nước sạch của Thủ đô một số nơi chưa được nâng cấp, do đó các đơn vị đôi khi phải ngừng cấp nước để bảo dưỡng, nâng cấp đường ống tránh xảy ra những sự cố có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân gia tăng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, do giá nước sạch tại Hà Nội hiện đang được duy trì bằng với 10 năm trước theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, sau 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá nước đều tăng lên rất nhiều do đó dẫn đến tình trạng sửa chữa không được thay thế đồng bộ.

Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng như: thuế Tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng tăng 30%; bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ (từ năm 2017).

Không chỉ gặp khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, việc giá nước bình ổn trong 10 năm qua cũng khiến việc nâng cao chất lượng nước theo quy định gặp không ít khó khăn.

Mặc dù, thời gian qua TP. Hà Nội luôn chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn nước cấp cho Thành phố ổn định, an toàn chất lượng, an ninh cấp nước, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc giá nước chưa được điều chỉnh, rõ ràng các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch cũng như mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, so với thời điểm năm 2013, các yếu tố chi phí đầu vào cấu thành nên mức giá nước sạch đã tăng lên khá lớn. Cụ thể, nếu lấy năm 2022 so với năm 2023, số liệu tính giá nước của ông tính còn tăng cao phương án Hà Nội tính. Chẳng hạn lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 29,46%; tiền lương tối thiểu vùng 1 từ 2,7 triệu đồng/người tháng lên 4,68 triệu đồng/người tháng, tăng 1,733 lần; giá điện từ 1.508 đồng/KW lên 1.920 đồng/KW, tăng 1,27 lần; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 45%...

Các chi phí đầu vào tăng lên như vậy làm cho giá tiêu thụ nước sạch hiện hành thấp hơn chi phí bỏ ra, đẩy giá nước trở thành giá bao cấp cho các ngành sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sử dụng nước sạch, nhưng lại gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước.

Theo ông Thỏa, việc không điều chỉnh giá nước sẽ gây ra hệ quả là không tạo được động lực thúc đẩy ngành nước nâng cao năng lực cấp nước và bảo đảm chất lượng nước, vì không đủ nguồn lực tích lũy tái đầu tư và không khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, đặc biệt là đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn, sức tiêu thụ nước sạch thấp. Vì vậy, ông Thỏa cho rằng điều chỉnh giá nước sẽ khắc phục được các hệ quả gây ra do giá nước thấp bất hợp lý.

Điều chỉnh giá nước bảo đảm nguyên tắc và theo quy định của pháp luật

Theo đề xuất của Sở Tài chính gửi UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024.

Cụ thể, trong năm 2023, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 - 30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước và kêu gọi đầu tư.

Phương án điều chỉnh giá nước của Sở Tài chính đưa ra là phương pháp chi phí theo quy định tại Thông tư số 44, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận.

Phương án phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm.

Phương án đưa ra trên cơ sở bảo đảm tính minh bạch trong việc sản xuất, lưu thông theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm người dân được sử dụng nguồn nước chất lượng cao.

Qua nghiên cứu phương án giá của Sở Tài chính Hà Nội, ông Thỏa cho biết, phương án đã thực hiện tính toán về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư 44 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sinh hoạt. Đặc biệt, việc sắp xếp bảng giá có thể hiện chính sách an sinh xã hội thông qua cơ chế hỗ trợ giữ ổn định mức giá hiện hành 5.973 đồng/m3 cho hộ tiêu dùng 10m3 nước sạch đầu tiên vì có cơ chế hỗ trợ khác đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là một chủ trương rất đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, việc phương án chia lộ trình điều chỉnh giá ra 2 năm là rất hợp lý, bởi nếu điều chỉnh dồn vào một lần (1/7/2023) theo mức độ tăng của chi phí đầu vào như đã phân tích trên sẽ tạo ra sự "giật cục'', có thể gây sốc, bất lợi đến sản xuất, đời sống. Do đó, nhìn chung phương án điều chỉnh giá của Hà Nội đã được tính toán kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng, có cách nhìn tổng thể, xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm với Nguyễn Tiến Thỏa, ông Nguyễn Ngọc Điệp Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh giá nước của Hà Nội là hoàn toàn hợp lý. Theo ông Điệp, 10 năm nay, Hà Nội vẫn áp dụng giá tiêu thụ nước theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội, trong khi đó rất nhiều tỉnh, thành đã điều chỉnh giá nước. Chẳng hạn như Phú Thọ điều chỉnh tăng năm 2018; Nam Định, Nghệ An năm 2019; Quảng Ninh, Hòa Bình năm 2022... Đáng chú ý, TP Hải Phòng quy định rõ 3 năm một lần điều chỉnh giá nước…

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, thu nhập, mức sống của người dân Thủ đô so với các địa phương khác là khá cao, song giá nước bán ra tại Hà Nội lại đang ở mức rất thấp. Theo khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, TPHCM... cao hơn Hà Nội 10% - 45%.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, theo tính toán của Hà Nội với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế ở khu vực nội thành đang ở mức 100 - 150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10 - 16m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Tương tự, tại khu vực nông thôn, hiện nay, mức tiêu thụ nước sạch của một hộ gia đình là 50 - 70 lít/ngày/người, tương đương 6 - 8m3/tháng… sau khi điều chỉnh, số tiền tăng thêm sẽ giao động từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng... Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sẽ thấp hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc điều chỉnh mang đến cho cộng đồng, đó là nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Theo các chuyên gia, để tạo sự đồng thuận cho người dân, các đơn vị, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích rõ chủ trương và mục tiêu, tác động của việc điều chỉnh giá để tạo được sự chia sẻ, đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần phải cam kết và triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân; làm tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước và tính tiền nước. Đồng thời, bảo đảm chất lượng nước sạch, cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu theo đúng quy chuẩn để phục vụ cho người dân.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch để "phủ sóng" nước sạch toàn thành phố

Hà Nội dự kiến tăng giá nước sạch từ 1/7

Theo chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/hoan-thien-he-thong-cung-cap-nuoc-sach-cho-thu-do-ha-noi-103230630162903707.htm
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS & INTECH