Dù vẫn còn khoản nợ hơn 14.000 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2022, tuy nhiên Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vẫn tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay hàng trăm tỷ đồng tại một công ty con mảng nông nghiệp.
Như chúng tôi đã thông tin, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã HAG - HOSE) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (Hưng Thắng Lợi Gia Lai) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thường Tín – Chi nhánh Gia Lai (Sacombank Gia Lai) theo hợp đồng tín dụng với hạn mức cấp tín dụng 500 tỷ đồng trong vòng 12 tháng.
Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay tín dụng với lý do muốn bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Trước đó ngày 14/3/2022, HAGL cũng đã thông qua việc bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của Hưng Thắng Lợi Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) theo hợp đồng tín dụng với hạn mức cấp tín dụng 400 tỷ đồng với thời hạn cấp 6 tháng.
Được biết trong lần vay vốn này, phía Hưng Thắng Lợi Gia Lai cũng nêu lý do sử dụng vốn nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tính chung sau 2 đợt được bảo lãnh vay vốn, Hưng Thắng Lợi Gia Lai thu về 900 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Hưng Thắng Lợi Gia Lai được thành lập vào ngày 12/10/2016 với 3 cổ đông sáng lập là Võ Trọng Hoàng (30%), Dương Minh Thành (40%) và Cao Vĩnh Tuấn (30%).
Đến tháng 5/2017, các cổ đông lớn này thoái hết vốn tại Hưng Thắng Lợi qua đó tạo tiền đề cho HAGL mua toàn bộ số cổ phần Hưng Thắng Lợi.
Thời điểm đó, HAGL đã mua gần 77 triệu cổ phần (98% vốn) Hưng Thắng Lợi Gia Lai với mức giá 32.200 đồng/cổ phiếu - tương ứng tổng giá trị dự kiến nhận chuyển nhượng là 2.477 tỷ đồng. Phương thức thanh toán được tập đoàn cho biết đó là bù trừ với các khoản nợ phải thu của HAGL tại chính doanh nghiệp này.
Với việc nắm quyền chi phối Hưng Thắng Lợi Gia Lai, HAGL tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã HNG - HOSE) khi có thêm 87 triệu cổ phiếu, HNG - tương đương 8,9%).
Ở giai đoạn cao nhất (giữa năm 2019), HAGL từng nắm tới 65,67% vốn HNG. Tuy nhiên đến hết năm 2019, tỷ lệ này đã giảm về mức 40,83%.
Trong bối cảnh nợ vay khổng lồ nhiều năm qua, HAGL đã liên tục cơ cấu nợ trong đó nổi bật là việc liên tục "triệt thoái" khỏi HNG Agirco thông qua thoái vốn cổ phần. Thậm chí trong năm 2021, HAGL đã mạnh tay bán hàng trăm triệu cổ phiếu để cơ cấu các khoản nợ vay.
Trong lần chia sẻ trước khi diễn ra ĐHCĐ thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAG từng cho biết: "Năm 2022, theo dự tính HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại và có thể thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu HNG ở thời điểm hồi tháng 3). Phía HNG cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ nợ HAGL trong năm 2022.
Như vậy, tổng tiền 4.400 tỷ đồng sẽ được HAGL dùng để giảm trả nợ".
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, HAGL vẫn còn ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 14.000 tỷ đồng; lượng tiền mặt sở hữu chỉ 125 triệu đồng; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ (sau báo lãi quý - công ty mẹ gần 250 tỷ đồng) song cũng chỉ đạt gần 4.800 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/3/2022 hơn 4.200 tỷ.
Với gánh nặng về tài chính như trên, do đâu HAGL tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay nợ tại công ty con?
Trở lại với Hưng Thắng Lợi Gia Lai, ngay sau khi các cổ đông sáng lập lần lượt thoái vốn, doanh nghiệp này đã tăng vốn lên 290 tỷ đồng, 700 tỷ đồng (27/6/2017) và 785 tỷ đồng (24/7/2017).
Tại báo cáo thường niên 2021, Hưng Thắng Lợi Gia Lai vẫn được ghi nhận là công ty con do HAGL nắm 98% sở hữu. Đáng nói, Hưng Thắng lợi đang là công ty mẹ (nắm giữ 100% vốn) của Công ty TNHH MTV Phát triển Nông Nghiệp Đại Thắng và Nông nghiệp Đại Thắng lại là công ty mẹ góp 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khăn Xay.
Theo dữ liệu chúng tôi có được, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, tình hình kinh doanh của Hưng Thắng Lợi Gia Lai là vô cùng bết bát với nhiều năm "rỗng" doanh thu dù quy mô vốn vẫn duy trì ở mức trên 700 tỷ đồng và tổng tài sản không ngừng "phình to" (trong đó cao điểm là năm 2019: doanh thu 0 đồng, lỗ 17,5 tỷ đồng khi tổng tài sản lại bất ngờ tăng lên mức gần 1.800 tỷ đồng). Đáng nói 2019 cũng là năm Hưng Thắng Lợi Gia Lai góp vốn lập thêm công ty con Nông Nghiệp Đại Thắng.
Vay 9.600 tỷ đồng, ai đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico (HNG)?
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL (HAG)