Hối thúc ngành công nghiệp dầu mỏ giảm lượng phát thải khí carbon

06-01-2022 11:31|Thiên Ban

Sự xuất hiện giàn khoan chạy bằng điện đang vẽ nên tương lai của lĩnh vực khoan dầu tại Mỹ.

Khi các nhà lập pháp và giới đầu tư đang hối thúc ngành công nghiệp dầu mỏ giảm lượng phát thải khí carbon, sự xuất hiện giàn khoan chạy bằng điện đang vẽ nên tương lai của lĩnh vực khoan dầu tại Mỹ.

Điều này mở ra xu hướng mới cho những nhà khai thác dầu mỏ muốn chuyển đổi sang hoạt động ít hoặc thậm chí không phát thải carbon.

Công ty dầu khí Civitas Resources đã thiết lập một hệ thống khoan dầu ở vùng ngoại ô Denver, tiểu bang Colorado (Mỹ), hoạt động chủ yếu bằng lưới điện của thành phố, chấm dứt tình trạng hàng chục chiếc xe tải sử dụng nhiên liệu diesel phải chạy mỗi ngày.

Giàn khoan điện cũng không có mùi bồ hóng hoặc mùi lưu huỳnh do khí thải từ động cơ diesel và không gây ồn ào đủ để các thợ khoan dầu có thể trò chuyện mà không phải hét lớn.

Civitas, nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất của bang Colorado cho biết,  đây là giàn khoan dầu không phát thải carbon đầu tiên của bang này. Để đạt được điều đó, họ đã loại bỏ một số máy bơm chạy bằng động cơ diesel, chỉnh sửa các thiết bị khoan và thiết bị thủy lực

Cách đó vài dặm, một bãi đất khác thuộc sở hữu của Civitas với 18 giếng dầu nằm ẩn sau một lớp đất nung và gần như cộng đồng xung quanh không thể nhìn thấy. Khu vực này có hàng chục cảm biến giám sát không khí để phát hiện khí thải nhà kính.

Các bộ điều khiển khí nén của nó đã được điều chỉnh để tránh rò rỉ khí mê-tan. Đây cũng là cơ sở khoan dầu đầu tiên của Civitas loại bỏ các bể chứa dầu và nước thải.

Colorado, một trong những tiểu bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, cũng là nơi đưa ra các quy định về khí thải nghiêm ngặt nhất trong số các bang ở Mỹ.

Bang này yêu cầu các công ty năng lượng đến năm 2030 phải cắt giảm lượng khí thải mê-tan từ việc khoan dầu xuống dưới một nửa mức của năm 2005.

Brian Cain - Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Civitas, cho biết: “Tất cả các đường dây điện đã được xây dựng để mở rộng đô thị và chúng tôi có thể khai thác chúng”.

Ông ước tính việc chuyển đổi từ động cơ diesel sang động cơ điện trong hoạt động khoan dầu sẽ giảm lượng khí thải từ 20% đến 25%.

Một số nhà bảo vệ môi trường cho rằng, việc giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động khoan dầu là không đủ, và thay vào đó, họ ủng hộ chuyển đổi hoàn toàn khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nhà đầu tư nên ngừng tài trợ cho các dự án mới liên quan tới khai thác dầu, khí đốt và than đá nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Mặc dù điện khí hóa là một cách nhanh chóng để cắt giảm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất, song nỗ lực này vẫn vấp phải những trở ngại khác.

Ông Cain cho biết, Civitas phải thay đổi lịch trình làm việc để tránh gây quá tải cho lưới điện trong thời gian cao điểm về nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát.

Nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai ở Texas, Pioneer Natural Resources, đặt mục tiêu điện khí hóa hoạt động khoan dầu và nâng cấp các thiết bị thủy lực trong vòng 8-10 năm tới.

Giám đốc điều hành của Pioneer Scott Sheffield cho biết, doanh nghiệp này đã bắt đầu chuyển sang mô hình bơm dầu khí nén để chuyển từ sử dụng dầu và khí đốt sang điện.

Pioneer đang làm việc với nhà điều hành mạng lưới điện lớn nhất Texas là Oncor nhằm tăng công suất điện cung cấp ở khu vực gần các mỏ dầu.

Ông Sheffield cho biết, Pioneer và các công ty sản xuất dầu đá phiến khác sẽ trang trải một phần chi phí nâng cấp đường dây điện và trạm biến áp để đẩy nhanh hơn nỗ lực giảm bớt sử dụng nhiên liệu diesel.

Giám đốc điều hành Rosneft: 20% dầu khí chưa khai thác toàn cầu nằm ở Bắc Cực, Nga hiện sở hữu tới 80% trong số đó

Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoi-thuc-nganh-cong-nghiep-dau-mo-giam-luong-phat-thai-khi-carbon-131040.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hối thúc ngành công nghiệp dầu mỏ giảm lượng phát thải khí carbon
    POWERED BY ONECMS & INTECH