Hơn 800 cửa hàng sử dụng ly nhựa, đại diện Highlands Coffee: ‘Thách thức lớn nhất liên quan đến nhựa chỉ là giảm thiểu số lượng. Vấn đề tái chế rất phức tạp’
Giám đốc Nhà máy của Highlands Coffee cho biết mục tiêu trước mắt của họ vẫn là tập trung vào việc giảm thiểu số lượng rác thải này.
Vấn đề này đã được đề cập tại phiên thảo luận diễn ra ngày 4/11, trong khuôn khổ Tuần lễ Phát triển bền vững tại cơ sở Nam Sài Gòn, Đại học RMIT Việt Nam. Sự kiện kéo dài từ 4-8/11, bao gồm chuỗi tọa đàm với hơn 20 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp và tổ chức đa ngành cùng các buổi hội thảo thực hành.
Trong ngày đầu tiên, các diễn giả tập trung thảo luận về việc trao quyền cho lực lượng lao động xanh. Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Christopher Jordan - Giám đốc Nhà máy Highlands Coffee, bà Thảo My Nguyễn - Chuyên viên Chiến lược tại Rice Studios và ông Keith Donald Schulz Jr. - Giám đốc Phát triển Bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Motul.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành cà phê và từng làm việc tại Starbucks, ông Christopher chia sẻ rằng biến đổi khí hậu đã tác động đến ngành này trong suốt hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông nhận định rằng các phản ứng của con người vẫn chưa thực sự hiệu quả trên nhiều phương diện, chẳng hạn như đa dạng hóa giống cây. Kết quả là sản lượng cà phê sụt giảm và chất lượng đất ngày càng suy yếu, điều này phản ánh rõ nét trên thị trường cà phê hiện nay.
Đại diện Highlands Coffee bày tỏ chia sẻ: “3 năm qua, lần đầu tiên trong đời mình và sau 25 năm làm trong ngành cà phê, tôi mới chứng kiến lượng cà phê sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ”.
Liên quan đến vấn đề bao bì, một câu hỏi dành cho ông Christopher là mặc dù Highlands Coffee hiện có hơn 800 cửa hàng, nhưng vẫn sử dụng ly nhựa để phục vụ đồ uống cho khách hàng, liệu công ty có dự định nào nhằm khắc phục vấn đề này không? Đại diện Highlands Coffee trả lời rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất mà họ đang trăn trở.
Ông Christopher chia sẻ rằng công ty đã hợp tác với Đại học RMIT và làm việc cùng một nhóm để thảo luận các ý tưởng phát triển bền vững, đồng thời tìm kiếm những giải pháp liên quan đến xử lý rác thải thực phẩm. Theo ông, có nhiều cơ hội để tận dụng bã cà phê trong quá trình này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hiện nay, rác thải thực phẩm trong hệ thống không phải là vấn đề lớn nhất mà là rác thải nhựa. Để giải quyết, Highlands Coffee đã thiết lập quan hệ đối tác với PlasticPeople và có kế hoạch mở rộng hợp tác trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất liên quan đến nhựa chỉ là giảm thiểu số lượng. Lý do là vấn đề tái chế rất phức tạp. Khi thảo luận với các sinh viên RMIT về tái chế, chúng tôi đã chỉ ra rằng quy trình này thực ra còn gây sức ép lên môi trường lớn hơn so với việc sử dụng nhựa. Đây không phải giải pháp đơn giản là cứ lấy đống nhựa về và đem tái chế.
Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu lớn sẽ là giảm thiểu rác nhựa qua thời gian, tiến dần đến nhựa có thể phân hủy sinh học, sau đó tới tái chế. Tuy nhiên đó sẽ là cả hành trình đối với chúng tôi”, ông Christopher nói.
Đại diện Highlands Coffee nhấn mạnh rằng tính bền vững cần phải được tích hợp đồng bộ trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm nay, Highlands Coffee sẽ thành lập một ban ESG, bao gồm các lãnh đạo chủ chốt từ khắp các bộ phận trong công ty.