‘Hòn ngọc biển Đông’ của Việt Nam có đường hầm ven biển 4,3km: Chi phí 6.200 tỷ với tiềm năng kết nối chiến lược
Dự án hầm ven biển được kỳ vọng mở ra dư địa phát triển du lịch cho địa phương, song dự án vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thành phố du lịch biển dự kiến xây hầm ven biển dài 4,3km
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chủ trương bổ sung dự án hầm Trần Phú vào danh mục đầu tư công trọng điểm, với mục tiêu giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông trên trục ven biển Nha Trang, đồng thời mở ra dư địa phát triển không gian đô thị xanh, bền vững.
Theo đề xuất của Sở Tài chính, dự án hầm Trần Phú sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một thực hiện từ năm 2025 đến 2040 với đoạn hầm dài 1,4km, bắt đầu từ số 86 Trần Phú đến đường Nguyễn Chánh. Dự án cũng xây dựng 2 cửa hầm giới hạn từ Trần Quang Khải đến Lê Thánh Tôn, cùng hai hầm hở phía Bắc - Nam, mỗi hầm dài 230m.

Giai đoạn hai, dự kiến sau năm 2040, sẽ mở rộng thêm 2,9km từ khu vực Hoàng Diệu đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 4,3 km. Hai nhánh lên xuống hầm cũng sẽ được bổ sung để đảm bảo khả năng kết nối và khai thác đồng bộ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn mở rộng ước tính khoảng 4.385 tỷ đồng.
Hầm Trần Phú được thiết kế rộng hơn 17,5m với 4 làn xe và 2 làn bảo trì. Đặc biệt, dưới hầm sẽ bố trí các vịnh đậu đỗ xe đón trả khách, mỗi vị trí cách nhau từ 250 đến 500m, phục vụ nhu cầu lưu thông và khai thác dịch vụ du lịch. Tổng vốn đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 6.200 tỷ đồng.
Kỳ vọng mở ra không gian ven biển mới cho thành phố du lịch
Việc xây dựng hầm Trần Phú được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vốn đã trở thành điểm nghẽn trong phát triển đô lịch Nha Trang, đặc biệt vào mùa cao điểm. Khi dòng phương tiện được đưa xuống lòng đất không chỉ giúp phân luồng hiệu quả, giảm áp lực cho mặt đất, mà còn tạo điều kiện mở rộng không gian đi bộ, phát triển các hoạt động dịch vụ, giải trí ven biển.
Không chỉ đơn thuần giải quyết ùn tắc giao thông, dự án hầm Trần Phú còn sở hữu tiềm năng kết nối chiến lược khi nằm trên tuyến đường huyết mạch ven biển của Nha Trang. Tuyến hầm sẽ giúp liên thông nhanh chóng các khu vực trọng điểm như trung tâm hành chính thành phố, hệ thống khách sạn – khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc bãi biển, đồng thời kết nối thuận tiện đến các điểm tham quan nổi tiếng như Vinpearl, Tháp Bà Ponagar, vịnh Nha Trang...

Với định hướng phát triển giao thông xanh và bền vững, dự án hứa hẹn cải thiện chất lượng môi trường sống, giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi tại khu vực trung tâm, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch vươn tầm quốc tế.
Sở Tài chính kiến nghị huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi để thực hiện dự án, nhằm giảm áp lực ngân sách địa phương, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ về công nghệ và kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế.
Dù kỳ vọng lớn, dự án hầm Trần Phú cũng đối mặt với không ít thách thức. Trước hết là bài toán về tổng mức đầu tư lớn, thời gian triển khai kéo dài nhiều thập kỷ, đòi hỏi sự kiên trì và tầm nhìn chiến lược từ chính quyền địa phương.
Về kỹ thuật, việc xây dựng hầm ngầm ven biển tiềm ẩn nhiều rủi ro do điều kiện địa chất yếu, xâm thực mặn và ảnh hưởng của mực nước ngầm. Quá trình thi công cũng sẽ tác động trực tiếp đến giao thông, đời sống sinh hoạt và hoạt động du lịch tại trung tâm Nha Trang, đòi hỏi các phương án tổ chức thi công và phân luồng giao thông hợp lý.
Ngoài ra, việc cân đối nguồn vốn đối ứng trong bối cảnh địa phương còn nhiều nhu cầu đầu tư hạ tầng dân sinh cấp thiết, cũng là một bài toán không dễ dàng. Dự án chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được triển khai đồng bộ với các quy hoạch phát triển đô thị, giao thông công cộng và chiến lược phát triển du lịch tổng thể của thành phố.
Dự án hầm Trần Phú ven biển Nha Trang là bước đi tất yếu để giải quyết các vấn đề hạ tầng đang hiện hữu, đồng thời mở ra dư địa phát triển mới cho đô thị du lịch. Tuy nhiên, để hiện thực hóa kỳ vọng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, giải pháp kỹ thuật và tầm nhìn quản lý, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và phát triển bền vững.
Khánh Hòa là địa phương sở hữu đường bờ biển dài nhất Việt Nam (385km), với nhiều cửa lạch, vịnh, đầm phá và các điểm du lịch biển nổi tiếng như Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh.
Ngoài ra, nơi đây cũng sở hữu nhiều hệ thống đảo phong phú, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch biển, dịch vụ cảng biển và kinh tế hàng hải.
Nha Trang được mệnh danh là "hòn ngọc của biển Đông" hay "viên ngọc xanh" vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nơi đây. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài sản phong phú về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng sự quan tâm trong việc xây dựng chính sách phát triển đầu tư cho du lịch, hiện nay TP. Nha Trang là một điểm sáng trong ngành du lịch Việt Nam, trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và đang vươn lên xứng tầm quốc tế.