Tỉnh giàu nhất Việt Nam thu hồi đất của hơn 1.300 hộ dân phục vụ tuyến đường quan trọng của Đông Nam Bộ
Địa phương đang tích cực đẩy mạnh quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc.
Dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang được tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư hơn 8.283 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đến nay, địa phương đã thu hồi đất của 1.304 hộ dân trong tổng số 1.650 hộ bị ảnh hưởng, tương đương diện tích 322ha. Quá trình thu hồi đất dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2025.

Trong số bốn địa phương tại tỉnh Bình Dương có tuyến cao tốc đi qua gồm thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng, hiện đã có 3 địa phương ban hành quyết định về đơn giá bồi thường đất. Riêng huyện Bắc Tân Uyên dự kiến phê duyệt trong tháng 5/2025.
Dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70km, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 52,1km, đoạn qua Bình Phước dài 7,1km, cùng đoạn nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài khoảng 7km, với 4km đã được Bình Dương đầu tư theo quy mô đường đô thị 8 làn xe, còn 3km địa phận TP. HCM chưa triển khai.
>> Dự án đường vành đai hơn 120.000 tỷ lớn nhất Đông Nam Bộ có chuyển động mới

Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m, tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, riêng chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Dự kiến cao tốc hoàn thành vào năm 2027.
Tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục kết nối quan trọng từ đường Vành đai 3 TP. HCM đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), đóng vai trò then chốt trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng không gian đô thị và công nghiệp Bình Dương, Bình Phước, đồng thời tăng cường liên kết vùng khi tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa (đang đầu tư xây dựng) hoàn thành, tạo kết nối với Tây Nguyên. Dự án cũng được kỳ vọng góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trọng điểm phía Nam và hiện thực hóa mục tiêu phát triển 5.000km đường cao tốc trên cả nước đến năm 2030 theo định hướng của Đảng và Chính phủ.
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.
Cú huých sau sáp nhập với TP. HCM: Khu vực nào của Bình Dương sẽ là tâm điểm?
Bất động sản Bình Dương 'thăng hoa' sau sáp nhập: Giá tăng phi mã, lợi suất cho thuê hấp dẫn