Việt Nam chuẩn bị đầu tư thêm 6 tuyến đường sắt mới
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngoài 7 tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài khoảng 2.440km, sẽ triển khai thêm 9 tuyến mới với tổng chiều dài 2.362km.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký quyết định giao các ban quản lý dự án (QLDA) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 6 dự án đường sắt trong giai đoạn 2025-2027.
Cụ thể, Ban QLDA Thăng Long được giao thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Ban QLDA 2 phụ trách dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

Ban QLDA 85 đảm nhiệm dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ.
Ban QLDA Mỹ Thuận lập báo cáo cho dự án tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Ban QLDA 6 thực hiện báo cáo cho dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm dự án tuyến đường sắt Vành đai phía Đông - Hà Nội.
Các Tổng Giám đốc ban QLDA được giao thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư của dự án.
Bộ Xây dựng yêu cầu các ban QLDA phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan liên quan để tiếp nhận, kế thừa tối đa các kết quả nghiên cứu đã thực hiện (nếu có), tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 7 tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài khoảng 2.440km, sẽ triển khai thêm 9 tuyến mới với tổng chiều dài 2.362km.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.540km, tốc độ thiết kế 350km/h.
Dự án dự kiến sử dụng khoảng 10.827 ha đất, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD, được bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước theo các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong vòng 12 năm. Kế hoạch khởi công trước ngày 31/12/2026 và hoàn thành vào năm 2035.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ban hành công điện yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi để khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12 năm nay với mục tiêu hoàn thành chậm nhất trong năm 2030.
Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 8,4 tỷ USD), chiều dài quy hoạch hơn 460 km. Tuyến đường sẽ nối từ cửa khẩu Lào Cai, kết nối đường sắt Trung Quốc, đến ga Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, tổng nhu cầu vốn để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt lên tới 5,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2,25 triệu tỷ đồng dành cho các dự án đường sắt quốc gia và 3,25 triệu tỷ đồng cho các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
>> Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc dài, hiện đại nhất Việt Nam lên 6 làn xe