HSG rót trăm tỷ cho công ty con mảng tôn mạ, kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách mới
Việc đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng vào Hoa Sen Phú Mỹ được xem là bước đi chiến lược của "vua tôn" nhằm tận dụng chính sách mới từ Bộ Công Thương.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG - HoSE) vừa thông qua chủ trương góp thêm 320 tỷ đồng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ, đơn vị sản xuất dòng sản phẩm tôn kẽm nhúng nóng (tôn mạ kẽm) của tập đoàn. Hiện Hoa Sen nắm giữ 100% vốn tại công ty này, nơi vận hành nhà máy với công suất 85.000 tấn/năm.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ |
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công Thương gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (vụ AD19) thêm 5 năm, với mức thuế dao động từ 2,56% đến 34,27%. Quyết định kéo dài hiệu lực đến tháng 10/2029 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường nội địa, nơi Hoa Sen đang giữ vị trí dẫn đầu.
Theo các chuyên gia, biện pháp chống bán phá giá có thể thúc đẩy sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa tăng 15-20%, tạo điều kiện cho Hoa Sen đẩy mạnh tiêu thụ và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trước đây, một động thái áp thuế tương tự vào năm 2016 từng giúp sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý của Hoa Sen tăng tới 30% so với giai đoạn trước đó.
Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành tôn mạ, Hoa Sen sở hữu hơn 400 đại lý phân phối truyền thống và 110 cửa hàng vật liệu xây dựng Hoasen Home trên khắp cả nước. Việc củng cố hoạt động sản xuất và mở rộng mạng lưới phân phối là chiến lược giúp tập đoàn duy trì lợi thế trong ngành.
Dù có triển vọng tích cực nhờ chính sách thuế mới, Hoa Sen đang đối mặt với áp lực tài chính lớn. Trong quý IV niên độ tài chính 2023-2024, tập đoàn báo lỗ gần 186 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trích lập giảm giá hàng tồn kho và chi phí xuất khẩu gia tăng. Tồn kho của Hoa Sen đã tăng hàng nghìn tỷ đồng, đạt mức 10.000 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí dự phòng trong bối cảnh giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá sẽ hỗ trợ đẩy mạnh sản lượng bán hàng, góp phần giảm áp lực tồn kho và cải thiện kết quả kinh doanh trong các quý tới.
Với vị thế dẫn đầu trong ngành tôn mạ nội địa và mạng lưới phân phối rộng khắp, Tập đoàn Hoa Sen đang tận dụng cơ hội từ chính sách thuế để tăng cường khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư thêm 320 tỷ đồng vào Hoa Sen Phú Mỹ được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực sản xuất và củng cố vị thế "vua tôn" trên thị trường nội địa.
>> Loạt doanh nghiệp thép quy mô lớn trên sàn báo lỗ, có phải do 'tác dụng ngược' từ hàng tồn kho?
Hoa Sen Home ra mắt loạt sản phẩm vật liệu xây dựng Luswell
Nhà máy thép 7.000 tỷ đồng có giúp Tôn Đông Á đuổi kịp Hoa Sen trong cuộc đua thị phần tôn mạ?