Hưng Yên: Mở không gian động lực mới để thu hút vào các khu công nghiệp
Tỉnh Hưng Yên tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông, mở ra các không gian động lực mới thu hút vào các KCN.
Đẩy mạnh hạ tầng giao thông
Tỉnh Hưng Yên được xác định có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Hiện Hưng Yên có 17 KCN, trong đó có 9 KCN phát triển theo trục giao thông đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha. Đến nay, 11 KCN đã được chấp thuận Chủ trương đầu tư và đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư thu hút vào trong KCN khoảng 9 tỷ USD, với khoảng 437 dự án. Doanh thu từ các dự án trong khu công nghiệp năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 2.700 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, để mở ra các không gian động lực mới thu hút các KCN, KĐT văn minh hiện đại trên địa bàn, từ nay đến năm 2050, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc quốc lộ các tuyến đường liên tỉnh kết nối liên vùng.
Cũng theo ông Văn, giai đoạn 2022- 2023, tỉnh Hưng Yên tập trung triển khai đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch như: Dự án đường Vành đại IV qua địa phận Hưng Yên với chiều dài 19,3 km; Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); dự án Đường Tân Phúc - Võng Phan; Dự án Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; dự án Đường kết nối di sản…
Được biết, liên quan đến hạ tầng giao thông, mới đây, HĐND tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Dự án đi qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Dự án được xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt. Dự án sẽ nâng cao nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến. Đồng thời, phát triển và hình thành các CCN, KĐT, khu dịch vụ du lịch... thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và TP Hưng Yên.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Paul Tonkes - Phó giám đốc công nghiệp Core5 Việt Nam cho biết: “Hưng Yên có vị trí chiến lược khi gần Hà Nội và Hải Phòng, 2 thành phố lớn nhất của Việt Nam. Điều này giúp tỉnh dễ dàng tiếp cận thị trường và nhà cung cấp. Các KCN ở Hưng Yên được kết nối thuận tiện với các mạng lưới giao thông chính. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng xuất nhập hàng hóa”.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào các KCN
Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 dự kiến quy hoạch phát triển 30 KCN với diện tích 9.540 ha. Con số này sẽ tăng lên là 35 KCN vào năm 2050 với diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt bằng thuận lợi cho việc tiếp nhận các nhà đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Để tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, KĐT dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng, theo ông Trần Quốc Văn, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao dọc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, định hướng trở thành một khu vực phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Hưng Yên cũng như vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh sẽ tập trung phát triển khu đô thị lớn; nhà ở xã hội, đáp ứng về nhà ở và an sinh xã hội cho chuyên gia, công nhân và người dân tại khu vực dọc tuyến đường đoạn qua tỉnh Hưng Yên như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Vành đai 4, đường Vành đai 3,5.
Về thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tỉnh sẽ thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Cũng theo ông Văn, tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp đầu tư vào KCN, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực tế, nhờ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hưng Yên đã có bước tiến vượt bậc, từ đơn vị đang nằm ở đoạn nửa cuối bảng xếp hạng PCI đã vượt lên tốp 15. Điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng tin tưởng, tín nhiệm hơn về môi trường kinh doanh tại Hưng Yên.
Theo ông Paul Tonkes, các KCN ở Hưng Yên là nơi có nhiều doanh nghiệp hợp tác để giảm chất thải và tiết kiệm tài nguyên. Ngoài ra, Hưng Yên còn có lực lượng lao động đông đảo và lành nghề. Các KCN tại Hưng Yên đều nằm trong khu vực có chất lượng cuộc sống cao. Các khu vực có trường học tốt, bệnh viện và các tiện nghi khác. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút và giữ chân nhân viên hơn. Tỉnh có một số trường đại học và cao đẳng đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp, và gần Hà Nội. Bên cạnh đó, Hưng Yên có môi trường đầu tư thuận lợi. Tỉnh cũng đưa ra một số ưu đãi cho các doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế và cấp đất.
- Hưng Yên
- KCN
- công nghiệp
Tỉnh là ‘bến đỗ’ của Tập đoàn Trump sắp đấu giá 216 lô đất, khởi điểm hơn 2 triệu đồng/m2
Hưng Yên sắp đấu giá 155 suất đất, khởi điểm thấp nhất hơn 150 triệu đồng