Huy động 36.000 người đào kênh đắp đập suốt 15 triệu ngày công, xây dựng ‘siêu công trình thủy lợi’ lớn nhất Đông Nam Á và là công trình thủy lợi đầu tiên của Việt Nam dùng 'đô la Mỹ'
Ngày nay, “siêu công trình” này là điểm tham quan được nhiều người yêu thích.
Hồ Dầu Tiếng trải rộng trên địa phận của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, là một công trình thủy lợi nhân tạo vĩ đại, không chỉ là hồ nhân tạo lớn nhất tại Việt Nam mà còn là niềm tự hào của khu vực Đông Nam Á.
Hồ Dầu Tiếng sở hữu diện tích mặt nước lên tới 270km2, dung tích chứa khổng lồ đạt đến 1,58 tỷ m3 với mực nước trung bình ổn định ở mức 24,4m. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước quan trọng mà còn đóng vai trò thiết yếu trong điều hòa lũ lụt và bảo vệ môi trường.
Theo đó, hồ Dầu Tiếng bắt đầu xây dựng vào năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985, với tổng mức đầu tư 110 triệu USD từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và cũng là công trình đầu tiên sử dụng vốn vay bằng USD.
Theo thông tin trên trang Thủy lợi miền Nam, để xây dựng hồ Dầu tiếng, có lúc đã phải huy động lên tới 36 nghìn người với gần 15 triệu ngày công, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất. Ngoài ra, để đưa nước từ hồ Dầu Tiếng đến các cánh đồng, ba con kênh lớn đã được xây dựng gồm kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng, với tổng chiều dài lên đến hàng trăm km.
Hiện nay, hồ Dầu Tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho 1.170km2 đất nông nghiệp tại Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Ngoài ra, hồ còn tạo nguồn nước tưới cho gần 940km2 đất ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển kinh tế nông nghiệp trong khu vực.
Hồ Dầu Tiếng ngày nay không chỉ là công trình thủy lợi lớn mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thiên nhiên và du lịch khám phá. Nhờ phong cảnh tuyệt đẹp, hồ đã trở thành một nơi lý tưởng cho các hoạt động cắm trại, dã ngoại và thưởng ngoạn. Vào mùa khô, khi đến thăm hồ, du khách sẽ bị mê hoặc bởi thảm cỏ xanh mướt trải dài như thảo nguyên bên đường, tạo nên một không gian bình yên, mênh mông và thơ mộng.
Khi phóng tầm mắt ra xa, những dãy núi non trùng điệp cùng làn mây trắng lững lờ trôi trên đỉnh núi tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ, vừa hoang sơ vừa trữ tình, như đưa du khách lạc vào một thế giới khác, xa rời sự náo nhiệt và ồn ào của cuộc sống đô thị.
Điểm nhấn khác biệt của hồ Dầu Tiếng là ngọn hải đăng nhỏ xinh với màu xanh dương chủ đạo, nổi bật giữa màu xanh ngát của cỏ cây và mặt nước. Không gian xung quanh hồ được bao phủ bởi màu xanh tươi mát, từ những cánh rừng đến mặt hồ, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, thơ mộng và yên bình.
Nhiều nhóm bạn trẻ chọn hồ Dầu Tiếng làm nơi cắm trại qua đêm, nơi họ có thể đốt lửa trại, thưởng thức không khí trong lành và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tận hưởng trọn vẹn không gian thiên nhiên.
Thời gian lý tưởng nhất để khám phá hồ Dầu Tiếng là từ tháng 12 đến tháng 4, khi thời tiết dịu mát, bầu trời trong xanh và không có những cơn mưa bất chợt. Đây là thời điểm hoàn hảo để du khách tận hưởng sự yên tĩnh, trong lành của vùng đất này, thư giãn giữa thiên nhiên và tìm lại sự cân bằng sau những ngày làm việc căng thẳng.