‘Siêu’ tàu dài gần 4 sân bóng đá chắn ngang kênh đào huyết mạch nối liền hai nửa thế giới, ít nhất 400 con tàu bị mắc kẹt, thiệt hại thương mại toàn cầu lên đến 250.000 tỷ đồng/ngày
Việc con tàu khổng lồ này bị mắc kẹt đã khiến cho mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải tạm dừng.
Vào ngày 23/3/2021, siêu tàu hàng Ever Given, do công ty Đài Loan Evergreen Marine vận hành và treo cờ Panama, đã bất ngờ gặp sự cố khi đâm chéo vào bờ rồi "vắt ngang" kênh đào Suez - một trong những tuyến vận tải biển huyết mạch nối liền hai nửa thế giới. Con tàu gần như bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào này, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải tạm dừng.
Tàu Ever Given là một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới với chiều dài khoảng 400m (bằng 4 sân bóng đá) cùng trọng lượng khoảng 224.000 tấn. Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu Ever Given chở số hàng hóa ước tính trị giá 3,5 tỷ USD.
Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), tàu Ever Given đã mất kiểm soát và không thể duy trì hướng đi thẳng do gió lớn và bão cát làm giảm tầm nhìn. Sức gió lên tới hơn 74 km/h là một trong những nguyên do khiến tàu mắc cạn, chắn ngang tuyến đường thủy quan trọng trong suốt 6 ngày, làm gián đoạn lịch trình vận chuyển toàn cầu và gây ra tình trạng ùn tắc với hơn 400 tàu thuyền.
Đến ngày 29/3/2021, đội cứu hộ đã nạo vét 27.000m3 đất cát bám hai bên mạn tàu với độ sâu đào vét lên tới hơn 18m. Các thành viên của đội cứu hộ cũng phá vỡ một khối đất đá lớn - nơi tàu Ever Given bị mắc kẹt và giải phóng thành công con tàu khổng lồ này.
Nơi con tàu Ever Given mắc kẹt là con đường duy nhất ở phía Nam kênh đào Suez, do đó, các tàu đã buộc phải hoãn lộ trình, chờ tàu được giải cứu hoặc tìm kiếm một tuyến đường khác tốn kém và xa xôi hơn rất nhiều. Một tuyến đường thay thế, vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam của châu Phi sẽ cộng thêm vào hải trình của các tàu 5 đến 10 ngày.
Theo nghiên cứu của công ty bảo hiểm Đức Allianz, mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu từ 6-10 tỷ USD (tương đương khoảng 150.000 – 250.000 tỷ đồng). Các hãng xuất khẩu châu Á và nhà nhập khẩu châu Âu là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc tắc nghẽn kênh đào Suez đã làm gia tăng thêm áp lực cho các tàu hàng, vốn đã phải chịu đựng sự gián đoạn và chậm trễ trong chuỗi cung ứng hàng hóa bán lẻ cho người tiêu dùng kể từ sau đại dịch.
Kênh đào Suez được coi là tuyến đường biển quan trọng thứ hai, chỉ sau kênh đào Panama, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối phương Đông và phương Tây, cho phép hàng hóa trung chuyển từ châu Á đến châu Âu nhanh hơn nhiều so với các tuyến đường khác. Đặc biệt, kênh đào này cũng là tuyến đường quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu thô từ vùng Vịnh đến châu Á và châu Âu.