Kiến thức

Huy động hơn 3.300 tỷ đồng, Việt Nam xây dựng siêu công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, bảo vệ gần 400.000ha đất khỏi xâm nhập mặn

Vĩ Hạ 14/08/2024 15:46

Công trình cũng thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong điều kiện khó khăn, đã phấn đấu vươn vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tháng 3/2022, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đã chính thức được khánh thành, đánh dấu sự hoạt động của siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á tại thời điểm đó. Công trình này được khởi công từ tháng 10/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2021, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Kiên Giang

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Kiên Giang

Dự án này được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục chính: cống Cái Lớn; cống Cái Bé; cống Xẻo Rô; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61; 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên - An Minh; hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.

Trong cụm các công trình nêu trên, cống Cái Lớn là hạng mục có quy mô

Trong cụm các công trình nêu trên, cống Cái Lớn là hạng mục có quy mô "khủng" nhất. Ảnh: Báo Dân Trí

Cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, với 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Xẻo Rô có 1 khoang âu thuyền rộng 31m, 2 khoang cửa lấy nước, mỗi khoang khẩu độ 5m.

Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có thiết kế cầu giao thông nông thôn. Đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 có chiều dài hơn 5,7km, bề rộng mặt đê 9m, chiều rộng phần xe chạy 7m, bao gồm 3 cây cầu và 9 cống tròn, cống hộp...

Đây là công trình do người Việt Nam tự thiết kế, thi công và quản lý. Ảnh: Báo Kiên Giang

Đây là công trình do người Việt Nam tự thiết kế, thi công và quản lý. Ảnh: Báo Kiên Giang

Đây là công trình thủy lợi được xem lớn nhất Việt Nam về quy mô, khẩu độ thông nước; được xây dựng trên dòng sông Cái Lớn (thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, Kiên Giang), công trình do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vùng chịu tác động của

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vùng chịu tác động của "siêu cống thủy lợi" Cái Lớn - Cái Bé có rộng tới 384.120ha, trong đó có tới 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân thuộc 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Ảnh: Báo Dân Trí

Do quy mô, tác động quá lớn nên trước khi được đầu tư xây, công trình từng vấp phải nhiều ý kiến phản biện trái chiều, những lo ngại tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Sau đó, qua đánh giá giữa mặt lợi và mặt hại và tiếp nhận các ý kiến đóng góp, công trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và khởi công xây vào tháng 10/2019. Sau 24 tháng thi công xuyên dịch Covid-19, công trình này đã hoàn thành.

Nhiệm vụ chính của công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha (diện tích hưởng lợi trực tiếp là 333.620ha, diện tích hỗ trợ là 50.500ha).

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp điều tiết nguồn nước, kiểm soát hạn mặn trong vùng dự án rộng lớn. Ảnh: Báo Kiên Giang

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp điều tiết nguồn nước, kiểm soát hạn mặn trong vùng dự án rộng lớn. Ảnh: Báo Kiên Giang

Công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với tuyến đê biển phía Tây sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng.

Sau hơn 2 năm hoạt động, siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với các cống ven biển An Biên, An Minh và các cống ven sông Cái Lớn, Cái Bé đảm bảo ổn định nguồn nước, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên và mặn - lợ.

Empty
Các nhân viên kỹ thuật vận hành cống Cái Lớn. Ảnh: Báo Kiên Giang

Các nhân viên kỹ thuật vận hành cống Cái Lớn. Ảnh: Báo Kiên Giang

Đặc biệt, từ mùa khô năm 2021-2022 đến nay, khu vực thượng lưu cống Cái Lớn - Cái Bé không phải đắp đập tạm để kiểm soát mặn như những năm trước đó. Được biết, trước đây huyện Châu Thành đắp 10 đập tạm, huyện Giồng Riềng và Gò Quao đắp 126 đập tạm.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hình thành là kết quả quá trình hàng chục năm nghiên cứu của nhiều cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ, các đồ án quy hoạch đến các nghiên cứu, tư vấn về dự án.

Hệ thống cống vận hành giúp vùng sinh thái ngọt được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Ảnh: Báo Dân Trí

Hệ thống cống vận hành giúp vùng sinh thái ngọt được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Ảnh: Báo Dân Trí

Là công trình lớn, có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp, nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đều do người Việt Nam thực hiện.

Quá trình thực hiện có biến động lớn về giá vật tư nhưng tổng mức đầu tư không tăng, đặc biệt đã tối ưu thiết kế và tiết kiệm qua đấu thầu được trên 400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cống Xẻo Rô và 8 cống trên tuyến đê An Minh - An Biên.

>> Việt Nam có công trình thủy lợi gần trăm năm dài 20km, bảo vệ hơn 300.000 dân suốt 90 mùa mưa lũ

Siêu công trình thủy lợi hơn 2.200 năm tuổi: Là kiệt tác kỹ thuật trị thủy, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Chiêm ngưỡng siêu đập thủy lợi nhà Tần xây đã 2.200 năm vẫn được sử dụng tới nay, là hình mẫu về chiến lược trị thủy được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/huy-dong-hon-3300-ty-dong-viet-nam-xay-dung-sieu-cong-trinh-thuy-loi-lon-nhat-dong-nam-a-bao-ve-gan-400000ha-dat-khoi-xam-nhap-man-d130379.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Huy động hơn 3.300 tỷ đồng, Việt Nam xây dựng siêu công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, bảo vệ gần 400.000ha đất khỏi xâm nhập mặn
    POWERED BY ONECMS & INTECH