Huy động máy khoan khiên ‘khủng’ bậc nhất thế giới nặng 5.200 tấn, nước gần Việt Nam tiến hành đào hầm giao thông lớn kỷ lục xuyên qua dòng sông lớn 2 châu Á
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ trở thành tuyến đường hầm vượt sông có đường kính lớn nhất đất nước.
Ngày 1/9 vừa qua, tại bờ Bắc sông Hoàng Hà thuộc khu vực thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, máy khoan khiên Sơn Hà đã khởi động để bắt đầu sự án xây dựng tuyến đường hầm Hoàng Cương xuyên sông Hoàng Hà. Đây là con đường ngầm vượt sông có đường kính lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay. Công trình này được đánh giá không chỉ là một bước đột phá công nghệ mà còn là thử thách lớn về trí tuệ và lòng dũng cảm của con người.
Công nghệ đường hầm khiên là một phương pháp hiện đại trong việc đào hầm dưới đất hoặc dưới nước, sử dụng thiết bị cơ khí khổng lồ và di động gọi là máy khoan khiên. Thiết bị này không chỉ thực hiện việc đào hầm mà còn lắp đặt lớp lót ngay trong quá trình thi công. Nhờ vào công nghệ này, các hạn chế do địa hình và địa mạo đã được loại bỏ, mở ra khả năng xây dựng các đường hầm kết nối dưới lòng thành phố, qua sông, hồ, biển, và thậm chí dưới núi.
Nguyên lý hoạt động của máy khoan khiên giống như một khoan khổng lồ khi thiết bị tiến lên, nó lắp ráp các tấm bê tông chế tạo sẵn thành thành đường hầm, tạo ra một cấu trúc vững chắc hình tròn. Phương pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả xây dựng mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.
Máy khoan khiên Sơn Hà hiện là máy khoan khiên thuộc top ‘khủng’ nhất trên thế giới và có đường kính lớn nhất ở Trung Quốc, với kích thước đường kính lên tới 17,5m và tổng trọng lượng vượt quá 5.200 tấn. Việc khởi động máy khoan khiên Sơn Hà đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Trung Quốc.
Đường hầm xuyên Hoàng Hà trên đường Hoàng Cương dài 5.755m, với 2 tầng, mỗi tầng 3 làn xe với tốc độ 60km/h, trong đó đoạn khoan khiên dài khoảng 3.290m. Việc hoàn thành đường hầm này sẽ cải thiện đáng kể tình trạng giao thông giữa hai bờ sông Hoàng Hà ở Tế Nam và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực. Thiết kế và xây dựng đường hầm đã xem xét đầy đủ các điều kiện địa chất đặc biệt và môi trường thủy văn của sông Hoàng Hà, đảm bảo sự an toàn và tin cậy của dự án.
Dự kiến, tuyến đường hầm này sẽ được hoàn thiện trong vòng 16 tháng. Dự án khi đi vào vận hành sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn dành cho xe buýt, xe cứu hỏa, các phương tiện bảo trì đường bộ... lưu thông qua lại. Tuyến đường Hoàng Cương sẽ giúp tăng kết nối giữa vùng đô thị chính của Tế Nam ở cả hai bên của bờ sông Hoàng Hà. Đồng thời, tuyến giao thông này cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác bảo tồn hệ sinh thái chất lượng cao ở lưu vực sông Hoàng Hà.
Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, Hoàng Hà, con sông dài thứ hai của Trung Quốc chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ, khu vực có diện tích tương đương nước Pháp, đã trở thành một nguồn phù sa khổng lồ do tình trạng sa mạc hóa. Hoàng Hà là con sông dài thứ hai ở châu Á và dài thứ 6 trên thế giới. Con sông này còn được gọi là "sông treo", bởi vì sự tích tụ trầm tích quá mức của nó đã nâng cao một phần lòng sông. Điều này làm thay đổi về dòng chảy theo thời gian, từ đó dẫn đến hiện tượng lũ lụt xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn. |